Top

Chuyển nhượng bất động sản: Hai nửa tối sáng

Cập nhật 29/07/2016 14:48

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án bất động sản tại thị trường Hà Nội khá sôi động trong 2 năm trở lại đây và giúp thúc đẩy thị trường phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng diễn ra êm đẹp.

Dự án Vinhomes Thăng Long đang hâm nóng thị trường bất động sản khu vực Nam An Khánh. Ảnh: Dũng Minh

Êm như nhung

Năm 2015, sau nhiều năm gặp khó khăn, Sông Đà Sudico đã bắt đầu có lãi nhờ hạch toán khoản lãi trong thương vụ chuyển nhượng dự án với đối tác Techcom Developer, đã được thực hiện trong năm 2014.

Đầu năm 2016, một phần Dự án Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) của Sudico được triển khai rầm rộ. Thoạt đầu, nhiều người nghĩ, nhờ nguồn tiền nghìn tỷ mới được rót, Sudico đã khởi động lại dự án này. Tuy nhiên, mọi chuyện sáng dần khi vào giữa năm 2016, Vingroup bất ngờ thông báo ra mắt Dự án Vinhomes Thăng Long tại Nam An Khánh.

Như vậy, Vingroup đã âm thầm mua lại một phần Dự án Nam An Khánh và triển khai với tên gọi Vinhomes Thăng Long. Sự xuất hiện của một tên tuổi lớn, khiến bất động sản cả khu vực Nam An Khánh được hưởng lợi tăng giá theo.

Tại Hà Nội, những thương vụ M&A dự án “êm như nhung”, như Vingroup thâu tóm một phần dự án Nam An Khánh không phải là ít.

Chẳng hạn, Dự án Khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) của Công ty Trung Việt từng gây ồn ào khi bị cơ quan thuế công bố số tiền nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất. Thế nhưng, không lâu sau, cơ quan thuế xác nhận Công ty Trung Việt đã hoàn tất nghĩa vụ thuế, khiến thị trường bất ngờ, không biết công ty này huy động đâu được nguồn tiền lớn trong thời gian ngắn đến như vậy, nhất là khi sản phẩm tại Dự án Khu đô thị mới Phú Lương lúc đó ít có thanh khoản.

Mọi chuyện chỉ lộ sáng khi mới đây, Hải Phát Invest tuyên bố đã bỏ ra khoảng 700 tỷ đồng để mua trên 30% quỹ đất Dự án Khu đô thị mới Phú Lương. Sau khi công bố chính thức việc mua lại một phần Dự án Khu đô thị Phú Lương, Hải Phát đã nhanh chóng triển khai hạ tầng phần đã mua lại và mở bán ra thị trường.

Và “bùng nhùng”… tranh chấp

Đối lập với những thương vụ M&A “êm như nhung”, nhiều thương vụ M&A dự án bất động sản gần đây lại dính phải tranh chấp, đơn cử như thương vụ thâu tóm Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land của Tập đoàn Mường Thanh.

Theo đó, sau khi Mường Thanh công bố chi ra 1.500 tỷ đồng để sở hữu 95% vốn điều lệ CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), chủ đầu tư Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị chỉ đạo Tổng công ty và Cienco 5 Land rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án hoàn vốn, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

Sau đó, trong cuộc họp bất thường, ngày 24/5/2016, HĐQT Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Hà Hùng. Đối với Dự án đầu tư BT đường trục phía Nam Hà Tây (cũ) và các dự án đối ứng Thanh Hà Cienco 5 A, B, Cienco 5 - Mỹ Hưng, HĐQT Cienco 5 Land thống nhất chủ trương dừng hoạt động của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land đối với Dự án dầu tư BT đường trục Nam Hà Tây (cũ) và các dự án đối ứng này. Bên cạnh đó, Tổng công ty với vai trò là nhà đầu tư dự án BT và là chủ đầu tư dự án đối ứng sẽ trực tiếp triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Được biết, Hải Phát hiện đang nắm giữ 23,18% cổ phần Cienco 5.

Một dự án khác cũng gặp hàng loạt rắc rối sau khi được M&A là thương vụ mua lại Tòa 105 CT2, Dự án Usilk City từ Sông Đà Thăng Long của Hải Phát Thủ Đô. Đây là dự án Sông Đà Thăng Long đã triển khai và đã bán cho nhiều khách hàng từ nhiều năm trước. Vì vậy, dù việc chuyển nhượng êm xuôi, nhưng chủ mới lại gặp không ít khó khăn với những khách hàng đã góp vốn mua căn hộ tại dự án.

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam, đơn vị chuyên tư vấn M&A dự án bất động sản, hoạt động M&A bất động sản “hết nạc, vạc đến xương”, không còn nhiều dự án “hoa hậu” để lựa chọn, doanh nghiệp phải tìm đến dự án “chết lâm sàng”. Tuy nhiên, mua những dự án này rủi ro sẽ rất lớn, thậm chí là vướng kiện tụng.

Dù vẫn còn có những mảng tối, nhưng hoạt động M&A đang mang đến những điều tích cực cho thị trường bất động sản, bởi hầu hết các dự án khi về tay chủ mới đều được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đem lại niềm tin cho khách hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản