Top

20 tình huống tranh chấp phổ biến khi mua bán nhà

Cập nhật 29/07/2016 09:59

Đa phần các giao dịch nhà đất bị đẩy lên mức tranh chấp thường do sự cố bất ngờ về pháp lý, vì vậy, cần tham khảo các tình huống vướng mắc điển hình đã xảy ra trong thực tế có thể phòng ngừa rủi ro, theo Caselaw Việt Nam.

Đơn vị này giải thích, thông thường, khi gặp tranh chấp, các bên có thể tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa để giải quyết. Trường hợp khởi kiện ra tòa mà vẫn không thể hòa giải, tòa sẽ ban hành bản án để phân xử căn cứ trên hồ sơ tài liệu, trình bày của các bên liên quan.

Căn cứ vào các bản án tranh chấp nhà đất có thật tại thị trường Việt Nam, Caselaw phân loại và đưa ra 20 tình huống vướng mắc đặc thù thường xuyên xảy ra nhằm hỗ trợ người mua bán bất động sản dự báo những rủi ro khi giao dịch bất động sản.


Thị trường nhà đất Việt Nam bị đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro do các chủ thể tham gia chưa có sự chuẩn bị, chưa hiểu đúng hoặc thiếu kiến thức đồng thời không được sự hỗ trợ đầy đủ về pháp luật. Ảnh: Vũ Lê

1. Bên bán nhà bất ngờ qua đời trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán.

2. Bên bán nhà tăng giá bán so với mức đã thỏa thuận trước đó.

3. Chủ sở hữu nhà đã bán nhà và hoàn tất xong thủ tục với bên mua, nhưng người thuê bất động sản lại không chịu bàn giao cho bên mua.

4. Người được ủy quyền không được ủy quyền hợp lệ để bán nhà vì bị cho là mất năng lực hành vi dân sự.

5. Chủ nhà đã bán bất động sản và hoàn tất xong thủ tục với bên mua nhưng người đang sống trong căn nhà không chịu bàn giao cho bên mua.

6. Bên bán và bên mua hủy thỏa thuận và hủy hợp đồng đặt cọc mua bán nhà.

7. Chủ đầu tư chậm bàn giao nhà và tự ý thay đổi thiết kế.

8. Bên bán nhà không đảm bảo quyền sở hữu để bán nhà thuộc sở hữu chung.

9. Nhà được đem ra bán khi vẫn đang còn thế chấp tại ngân hàng.

10. Bên mua nhà cho rằng không có đủ điều kiện để bán nhà (không đảm bảo quyền sở hữu…)

11. Bên bán nhà bị ép buộc, không tự nguyện bán bất động sản.

12. Bên bán vừa thế chấp nhà tại ngân hàng, vừa bán tài sản này cho bên mua.

13. Bên bán lấy cắp giấy tờ nhà để đem đi bán.

14. Bên bán nhà không hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà cho bên mua do UBND tạm ngưng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

15. Người chồng tự ý bán nhà là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

16. Các bên ký hợp đồng mua bán nhà giả cách để làm tin.

17. Bên bán nhà yêu cầu hủy hợp đồng mua bán vì đi định cư nước ngoài.

18. Bên mua nhà cho rằng căn nhà được bán không có đủ diện tích như thỏa thuận ban đầu.

19. Bán nhà đất khi chưa phải là chủ sở hữu hợp pháp.

20. Bên bán nhà bị ngân hàng tạo áp lực phải bán tài sản.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress