Top

Khó vì thiếu thông tin

Cập nhật 04/05/2009 10:50

Nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước đối với khu đô thị mới, căn hộ chung cư và văn phòng cho thuê. Đây là nhận định từ kết quả khảo sát tình hình quản lý nhà nước đối với thị trường nhà khu đô thị mới, căn hộ chung cư và văn phòng cho thuê do nhóm nghiên cứu thuộc liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ thực hiện tại 8 tỉnh thành phố, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Quảng Nam...

Số thật, số ảo

Theo kết quả khảo sát được đưa ra tại Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo “Quản lý nhà nước đối với thị trường nhà khu đô thị mới, căn hộ chung cư và văn phòng cho thuê” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được tổ chức tại TP.HCM, đang có khoảng cách lớn giữa số dự án và số diện tích đất đã được cấp so với các công trình đã hoàn thành.

Tại Hà Nội (cũ), trong giai đoạn từ năm 1996 đến thời điểm được sáp nhập với Hà Tây, đã có 36 khu đô thị mới với diện tích 1.471 ha được triển khai và 128 dự án được giao đất xây dựng nhà ở để bán và cho thuê với diện tích hàng trăm héc-ta. Sau khi sáp nhập, Hà Nội hiện có 744 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn với quy mô 61.767 ha.

Tương tự, tại TP.HCM, từ cuối năm 2007 đến nay, hơn 230 dự án với diện tích gần 2.500 ha đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với khoảng 26.000 nhà riêng lẻ, 72.000 căn hộ chung cư. Ông Trần Kim Chung, Phó trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Quản lý kinh tế (CIEM) tính toán, với toàn bộ số dự án này được thực hiện hết thì Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch quy hoạch và sử dụng đất đến năm 2050.

Điều đáng nói là, nhiều dự án dù đã được giao đất nhưng chủ đầu tư triển khai rất chậm hoặc không triển khai. Chính vì vậy, tuy số lượng các khu đô thị mới được cấp phép khá dày đặc nhưng số khu đô thị được hoàn thiện một cách bài bản rất ít, thậm chí nhiều địa phương chưa có.

Khó kiểm soát

Những câu hỏi tưởng rất đơn giản rằng, năm nay TP. HCM có bao nhiêu dự án mới được xây dựng, có bao nhiêu căn hộ cao cấp, trung bình… lại không dễ có được trả lời chính xác. Thậm chí, nhiều cấp quản lý nhà nước cũng than phiền về việc thiếu thông tin. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, chuyên gia Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM thẳng thắn, nhiều lúc cán bộ Sở muốn tìm thông tin quy hoạch cũng không biết hỏi ở đâu.

“Cơ quan nhà nước còn “khổ” như vậy thì doanh nghiệp còn khó hơn nhiều”, bà Vân nói và kỳ vọng vào một trung tâm quan sát, theo dõi diễn biến thị trường bất động sản để thu thập và cung cấp thông tin cho toàn xã hội.

Hơn thế, thông tin về các giao dịch trên thị trường cũng đang trong tình trạng khá mù mờ. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, vì phần nhiều các giao dịch, giữa chủ đầu tư và khách hàng hoặc giữa nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp, đều thể hiện bằng hợp đồng góp vốn, nên Nhà nước khó quản lý.

Áp lực quản lý

Mặt tích cực của thị trường bất động sản thời gian qua là hấp dẫn được một lượng vốn khá lớn. Song, chính điều này lại khiến sự bất cập trong quản lý nhà nước dễ gây nên nhiều hệ quả lớn, nhất là từ tình trạng lãng phí đất đai do nhà đầu tư xí phần dự án nhưng không triển khai đúng tiến độ.

“Vì sao khi phê duyệt, tính khả thi của dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư không được làm rõ”, ông Hoàng đặt câu hỏi và cho rằng, nên có chế tài ngay từ đầu, chẳng hạn như yêu cầu chủ đầu tư được giao đất phải đặt cọc một khoản tiền, nếu dự án không triển khai đúng quy định, ngoài việc bị rút giấy phép, nhà đầu tư còn bị mất tiền cọc”, ông Hoàng đưa ra ý kiến.

Riêng với việc kiểm soát các giao dịch, ông Hoàng cho rằng, một căn hộ dù có được sang nhượng hàng chục lần nhưng nếu bắt buộc thông qua chủ đầu tư thì việc kiểm soát để quản lý không khó khăn. “Vấn đề là có làm hay không. Nếu tình hình này không được cải thiện, người tham gia thị trường gặp nhiều rủi ro, còn Nhà nước sẽ tiếp tục thất thu thuế”, ông Hoàng nói.

Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến điều hành, quản lý thị trường bất động sản bộc lộ nhiều bất cập. Việc tranh chấp chỗ giữ xe giữa các hộ dân ở Chung cư The Manor (Hà Nội) và chủ đầu tư đến nay đã hai tháng trôi qua, nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có phán quyết cuối cùng vì các quy định sở hữu chung - riêng không rõ ràng. Mới đây nhất, quy định của Bộ Xây dựng về việc chung cư loại 1 mỗi căn hộ phải đảm bảo 1,5 chỗ để xe hơi cũng được các nhà đầu tư cho là không khả thi.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư