Top

Khảo sát nguyện vọng người dân trước khi thực hiện thu hồi đất

Cập nhật 01/10/2012 09:15

“Thời gian tới, chủ đầu tư dự án và UBND các quận - huyện trước khi thực hiện dự án thu hồi đất phải nghiêm túc thực hiện công tác điều tra xã hội học, khảo sát tình hình kinh tế - xã hội và nguyện vọng của người dân để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ công tác bồi thường và xác định nhu cầu tái định cư (TĐC) cũng như công tác quản lý sau di dời”. Đó là kiến nghị của Sở Xây dựng TPHCM với UBND TPHCM trong công tác giải quyết TĐC trên địa bàn TPHCM thời gian tới.

Mới đáp ứng 30% nhu cầu

Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn năm 2012 - 2020, TP sẽ tiếp tục triển khai 154 dự án trọng điểm với hơn 63.000 hộ dân bị ảnh hưởng, dự kiến có nhu cầu TĐC hơn 28.800 hộ. Hiện, trong tổng số 32.327 căn hộ, nền đất TP đã đầu tư xây dựng và mua lại từ Chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đến nay TP đã bố trí sử dụng 27.845 căn hộ, nền đất. Còn 4.482 căn hộ, nền đất chưa bố trí nhưng đã phân bổ và có kế hoạch thực hiện. Theo Sở Xây dựng, căn cứ vào báo cáo đăng ký nhu cầu TĐC của các quận - huyện giai đoạn 2012 - 2015, 4.482 căn hộ và nền đất hiện có chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu TĐC của hơn 10.000 hộ dân trong giai đoạn trên. Tuy nhiên, quỹ nhà, đất này có thể đáp ứng đủ nhu cầu TĐC cho 68 dự án trọng điểm (27 dự án của TP và 41 dự án của quận - huyện) trong năm 2012 - 2013.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, công tác quản lý sử dụng quỹ nhà TĐC hiện nay đảm bảo về số lượng và nguồn phát triển. Nhưng theo ông Danh, vấn đề “đau đầu” nhất là đối với các trường hợp không đủ điều kiện TĐC. Theo quy định tại NĐ 68 của Chính phủ, các trường hợp không đủ điều kiện TĐC được xem xét giải quyết thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp, trong khi đó TP chưa có nhà thu nhập thấp, người dân được hỗ trợ với tổng giá trị bồi thường hỗ trợ không đủ để tái tạo nơi ở mới. Hiện các trường hợp này Hội đồng thẩm định bồi thường TP phải giải quyết riêng lẻ theo từng dự án. Cụ thể, dự án Chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây quận 8 được bố trí tại chung cư An Sương quận 12 với phương thức xem xét cho thuê theo giá khấu hao 30 năm.

“Đối tượng cần quan tâm giải quyết nhất hiện nay là những hộ không đủ điều kiện TĐC. Họ rất khó khăn, số tiền hỗ trợ bồi thường thấp nên không có khả năng tạo lập chỗ ở mới hay mua nhà trả góp, nên chúng tôi sẽ kiến nghị TP cho đối tượng này được thuê nhà TĐC trong thời gian dài” – ông Danh cho hay.

Khu tạm cư 1ha tại phường An Phú quận 2 đã tồn tại từ năm 2002 tới nay. Ảnh: HUY ANH

Không chỉ các trường hợp không đủ điều kiện TĐC tại các dự án không đủ điều kiện tạo lập nơi ở mới, mà rất nhiều trường hợp sau khi được bồi thường vẫn không đủ tiền mua nhà, đất TĐC. Từ thực tế này, UBND TPHCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép các chủ dự án (vốn ngân sách và ngoài ngân sách) được chi bù cho người dân TĐC khoản tiền thiếu hụt do giá bán nhà đất TĐC cao hơn giá đất ở được tính để bồi thường trước đó.

Phải xây dựng phương án tạm cư

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP đang thừa, thiếu cục bộ ở các quận - huyện. Mặc dù các quận - huyện cam kết và có kế hoạch bố trí nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Một số quận - huyện vẫn còn quỹ nhà TĐC trên địa bàn nhưng phải TĐC cho các hộ dân tại nơi khác hoặc quỹ nhà để trống trong khi người dân phải tạm cư. Ban Thường trực TĐC TPHCM cho biết, tình trạng quỹ nhà TĐC thiếu, thừa cục bộ ở các quận - huyện nhưng rất khó điều chuyển, cân đối vì các khác biệt về vị trí, giá bán, đặc điểm nhu cầu sử dụng của các hộ dân ở từng dự án thu hồi đất của từng quận huyện.

“Các quận - huyện đang thực hiện bố trí TĐC đã công bố danh mục TĐC ra dân và chờ người dân lựa chọn, không thể thu hồi bán đấu giá hoặc điều chuyển cho dự án khác mà phải chờ cho đến khi kết thúc công tác bồi thường” - đại diện Ban Thường trực TĐC giải thích. Để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị TP phân cấp cho quận - huyện được mua, điều chuyển, cân đối và quản lý sử dụng quỹ nhà TĐC để tạo sự chủ động trong việc bố trí, sử dụng, lập kế hoạch đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tổng hợp từ các quận - huyện, trên địa bàn TPHCM hiện có 24 dự án với 1.427 hộ tạm cư phát sinh sau Nghị quyết 57, trong đó có 8 dự án vốn ngoài ngân sách với 653 hộ tạm cư (chiếm 46%) và 16 dự án sử dụng vốn ngân sách với 774 hộ tạm cư (chiếm 54%). Để hạn chế tình trạng tạm cư trong thời gian dài, Sở Xây dựng cũng đề xuất chủ đầu tư và UBND quận - huyện phải xây dựng phương án tạm cư cho các hộ dân. Theo đó, chỉ giải quyết tạm cư đối với những trường hợp có nhu cầu TĐC tại chỗ hoặc giao mặt bằng cấp bách để thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND TP. Trong đó, phương án tạm cư phải nêu cụ thể tổng số tạm cư, bao nhiêu hộ có nhu cầu tạm cư bằng căn hộ, bao nhiêu hộ có nhu cầu nhận tiền tự lo chỗ tạm cư, thời gian kết thúc tạm cư, tổng số tiền phải chi cho phương án tạm cư của dự án. “Phương án tạm cư này phải được UBND TP xem xét chấp thuận và phê duyệt tổng số tiền cho công tác tạm cư của dự án thì mới có hiệu lực thi hành” - Sở Xây dựng đề nghị.

Để các hộ dân TĐC sớm hòa nhập với cộng đồng ở nơi ở mới, ngoài việc chủ đầu tư dự án và UBND các quận, huyện phải thực hiện công tác điều tra xã hội học, khảo sát tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân trước khi thực hiện dự án, Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP giao các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ chủ đầu tư và các quận, huyện tạo việc làm, mở các tuyến xe buýt mới đến khu TĐC, xây dựng mạng lưới trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi giải trí, chợ và trung tâm thương mại... để người dân có cuộc sống tốt và gắn bó lâu dài với nơi ở mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng