Trong những khu đất “vàng” tại TP Vũng Tàu mà UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất bán đấu giá có gần chục căn nhà cổ trên dưới 100 tuổi - đều có giá trị về kiến trúc, mang dấu ấn lịch sử của TP Vũng Tàu.
Có ý kiến quan ngại, lo lắng những căn nhà cổ này có nguy cơ bị đập bỏ.
Tòa nhà hiện là trụ sở của Ban chỉ huy quân sự phường 1, UBMTTQ phường 1 (TP Vũng Tàu) được xây dựng từ năm 1913 - Ảnh: Đông Hà
|
Trong bốn khu đất mà UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy cho bán đấu giá, có khu đất hiện đang là trụ sở làm việc của lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, UBND P.1, Công an P.1, Ban chỉ huy quân sự P.1, thư viện tỉnh và Công ty Vũng Tàu Ship. Những trụ sở này là căn nhà một trệt, một lầu được xây dựng vào năm 1912 và 1913 với lối kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp. Khu này nằm ở mặt tiền hai con đường Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, nằm ở trung tâm TP Vũng Tàu, gần Bãi Trước, có vị trí đắc địa.
Dấu tích lịch sử tiêu biểu
"Đề nghị xem xét lại chủ trương bán đấu giá hoặc phá bỏ những căn nhà trên, đồng thời có chủ trương nghiên cứu những kiến trúc cổ để có phương án bảo vệ thích hợp"
Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Theo quy hoạch, khu đất có trụ sở các cơ quan trên là đất dành cho trụ sở hành chính. Nhưng để tăng khả năng sinh lợi, chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các khu đất được đề xuất bán đấu giá này thành đất dành cho thương mại, dịch vụ: cao ốc văn phòng, căn hộ du lịch cao cấp, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng...
Sau khi biết chủ trương bán đấu giá khu đất “vàng”, một số ý kiến không đồng tình, đề nghị giữ lại những căn nhà nói trên. Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh khẳng định những công trình trên là dấu tích lịch sử tiêu biểu về kiến trúc cổ. Việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa tại TP Vũng Tàu rất cần thiết, một mặt phục vụ giáo dục truyền thống, mặt khác phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, lịch sử trong bối cảnh đô thị hóa ồ ạt hiện nay.
Cũng theo Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu bán đấu giá khu đất có những căn nhà đã tồn tại trăm năm nay thì đó thật sự là “điều tiếc nuối của những người làm công tác văn hóa, lịch sử”. Do đó, Hội Khoa học lịch sử “thiết tha đề nghị” xem xét lại chủ trương bán đấu giá hoặc phá bỏ những căn nhà trên, đồng thời có chủ trương nghiên cứu những kiến trúc cổ để có phương án bảo vệ thích hợp.
Ông Phạm Chí Thân, giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đồng tình với quan điểm của Hội Khoa học lịch sử. Theo ông Thân, việc bán đấu giá đất để phát triển kinh tế - xã hội cũng cần, nhưng có những công trình kiến trúc đã 100 năm cần thiết phải giữ lại bởi đây là minh chứng cho công sức, quá trình lao động của người Việt, là đánh dấu sự ra đời của đô thị Vũng Tàu từ năm 1895. “Nếu có bán đấu giá thì buộc người mua phải giữ lại những căn nhà này” - ông Thân đề xuất.
Xem xét giá trị nhà cổ
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng nếu đã bán đấu giá cũng có nghĩa giao đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá và tự hiểu doanh nghiệp thì không thể để lại những căn nhà này mà họ sẽ đập bỏ đi để làm những công trình sinh lợi cao như nhà ở, chung cư, văn phòng cho thuê. Mặt khác, nếu không thay đổi quy hoạch sẽ không có doanh nghiệp nào mua. “Tuy những công trình trên chưa phải là di sản kiến trúc cần được bảo vệ, bảo tồn nhưng nó mang dấu ấn lịch sử về văn hóa, kinh tế, xã hội của một thời kỳ” - ông Mạnh cho biết. Theo ông Mạnh, để có cơ sở khoa học, đánh giá một cách đúng đắn về giá trị công trình, cần phải có nghiên cứu, điều tra và cần thiết phải lập quy hoạch phân khu để từ đó biết được giá trị của công trình, mới xác định cái nào đập bỏ, cái nào giữ lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lập - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tất cả chỉ mới là đề xuất, phải chờ chủ trương của thường trực Tỉnh ủy mới quyết định bán cái gì, để lại cái gì.
Theo khẳng định của nhiều người, những tòa nhà trên vẫn chưa xuống cấp và còn sử dụng rất tốt dù đã 100 tuổi. Ông Đỗ Quốc Hùng, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên bí thư Thành ủy Vũng Tàu, khẳng định những công trình kiến trúc trên là vô giá và nhận định nếu bán đấu giá, doanh nghiệp sẽ đập bỏ. Nếu không còn những căn nhà này, Vũng Tàu sẽ không còn nét đặc trưng trong khi ở một số tỉnh như Tiền Giang lại khôi phục, tôn tạo, giữ gìn nhà cổ để phục vụ du lịch, văn hóa.
“Bán đấu giá tuy có tiền nhưng chúng ta lại mất đi những công trình kiến trúc cổ xưa. Con cháu đời sau sẽ không thấy được dấu ấn của thời kỳ thuộc Pháp. Quan điểm của tôi là nên giữ lại những căn nhà này, mời những người am hiểu về kiến trúc, văn hóa để xác định lại giá trị của căn nhà, rồi lên kế hoạch làm gì, sử dụng vào việc gì” - ông Hùng nói.
ĐÔNG HÀ
Vũng Tàu đang thiếu công viên, quảng trường...
* Theo một kiến trúc sư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi ngược quy trình, đúng ra phải đánh giá, xem xét giá trị của những căn nhà này trước rồi mới quyết định bán đấu giá hay để lại. Cũng theo kiến trúc sư này, Vũng Tàu đang thiếu công viên, bãi đỗ xe, quảng trường, do đó tỉnh nên xem xét chuyển khu đất vàng này thành đất công cộng, vừa giải quyết được chuyện thiếu đất, vừa giữ được công trình kiến trúc cổ.
* Nối tiếp với những căn nhà được xây dựng vào năm 1912 và 1913 hiện là trụ sở các cơ quan cũng là những căn nhà cổ, kiến trúc kiểu Pháp, trước đây là trụ sở của Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Liên đoàn Lao động tỉnh (đường Trần Hưng Đạo); Sở Giao thông vận tải tỉnh, Hội Nông dân tỉnh (cũ) (đường Lý Thường Kiệt). Tất cả những căn nhà này tạo thành một quần thể kiến trúc rất đẹp, đồng bộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: