Top

Thiếu chính sách phát triển nhà cho thuê

Cập nhật 30/09/2012 09:20

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu thuê nhà của cán bộ, viên chức và người lao động là rất lớn. Trong khi đó, chính sách khuyến khích phát triển quỹ nhà cho thuê thì lại rất thiếu và bất hợp lý...

800 căn hộ thí điểm đầu tiên của Hà Nội cho thuê và mua trả góp tại Việt Hưng. Ảnh: Minh Tuấn.  

 “Cách mạng trong đời tôi”

Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội không giấu được vui mừng khi tiếp tôi trong căn hộ 52 m2 thuộc nhà A3-CT19, khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội.

Chị Thủy cho biết, khi chuyển về sống tại khu nhà cho thuê áp dụng với cán bộ, công chức của thành phố đúng như là cuộc cách mạng trong đời chị. Căn nhà không quá rộng nhưng khang trang, điện nước ổn định, vệ sinh hơn hẳn so với căn nhà tồi tàn mà vợ chồng chị đã từng thuê tại phố Kim Mã.

Mỗi tháng chị Thủy phải trả 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ tính riêng theo quy định của thành phố. “So với thu nhập từ đồng lương cán bộ thì được thuê quỹ nhà này là may mắn rất lớn với tôi.

Tuy nhiên, cơ quan tôi còn rất nhiều bạn trẻ chưa có nhà ở phải đi thuê bên ngoài rất chật vật.

Tôi mong thành phố phát triển mạnh hơn quỹ nhà này”- chị Thủy đề nghị. Bên cạnh một số bất cập trong công tác quản lý, sửa chữa điện nước với các căn hộ, nhiều cư dân được thuê nhà ưu đãi tại Việt Hưng đều có chung niềm vui như chị Thủy.

Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, 515 căn nhà cho thuê và hơn 300 căn nhà mua trả góp tại khu đô thị Việt Hưng là dự án thí điểm đầu tiên của Hà Nội nhằm tìm hướng tháo gỡ nhu cầu cấp bách về nhà ở, trước hết là cho đối tượng cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, do phải đầu tư bằng ngân sách nên quy mô dự án vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu và rất khó mở rộng. Ông Đạm cho hay, sau dự án tại Việt Hưng, thành phố đã có chủ trương dành khoảng 20 ha đất tại khu vực Bắc An Khánh để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có quỹ nhà cho thuê.

“Nhu cầu của người lao động rất lớn mà đến nay vẫn rất thiếu cơ chế chính sách phát triển quỹ nhà quan trọng này”-ông Đạm nói.

Cũng theo Sở Xây dựng, nhiều nhà đầu tư rất muốn tham gia đầu tư nhưng bản thân họ cũng cực kỳ băn khoăn, lo lắng khi những quy định cụ thể về bảo hộ tài sản, cơ chế huy động vốn và tín dụng dài hạn, việc xử lý đối tượng chây ỳ tiền thuê nhà...còn quá nhiều bất hợp lý.

Thiếu chính sách hỗ trợ


Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định: Phát triển quỹ nhà cho thuê là đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội và cũng là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Hà Nội đã đi đầu cả nước về dự án thí điểm tại Việt Hưng.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của xã hội thì lại không thấm vào đâu. Hiện đang rất cần cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Cái rất khó đặt ra hiện nay là vốn đầu tư lớn nhưng thời hạn thu hồi lại rất dài, thường là phải vài chục năm sau.

Trong khi đó, những biến động về lạm phát, trượt giá, tín dụng hiện nay lại rất lớn. Khi cơ chế thông thoáng, bảo toàn và phát triển được đồng vốn, có lãi thì doanh nghiệp mới tham gia.

“Đa số người dân ở các nước phát triển có phúc lợi xã hội tốt đều ở nhà thuê. Nhà nước không thể đảm bảo là ai cũng được sở hữu nhà ở. Điều đó là vô lý” ông Nguyễn Quốc Tuấn nói

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Xây dựng đang xây dựng Nghị định trình Chính phủ nhằm tháo gỡ khi yêu cầu trong mỗi dự án phát triển nhà ở đều phải dành một phần đất để xây nhà xã hội, nhà cho thuê. Theo chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ thì Hà Nội và TP HCM từ nay đến năm 2020, nhà chung cư phải chiếm tới 90% để tiết kiệm đất. Đây là một thách thức hết sức lớn, vì đến nay, Hà Nội mới chỉ có 16,6% cư dân sống trong các khu chung cư.

Làm gì để có thể đạt được yêu cầu đặt ra phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế chính sách và sự sáng tạo vận dụng, quan tâm của các địa phương. “Giá đất mà nhà nước thu hiện nay là khá cao.

Tôi kiến nghị, thay vì tiền đất phải nộp cho nhà nước một lần thì nay chia đều ra nộp làm nhiều lần theo thời hạn thu hồi vốn của dự án”-ông Tuấn kiến nghị.

Ngoài ra, ông Tuấn đề nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhằm giảm giá thuê cho người dân. Có thể hỗ trợ qua doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người thuê nhà...

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong