Top

Khách sạn cao tầng lại tiến về bờ sông Hương: Vì nhà đầu tư hay vì “bài thơ đô thị”?

Cập nhật 23/04/2008 13:00

Huế sắp sửa có thêm 2 khối bê tông cao tầng tại số 2 Hùng Vương, chỉ cách bờ sông Hương chừng 100m. Cách đây chưa lâu, ở vị trí liền kề đã xuất hiện một công trình phá lệ đầy tai tiếng là khách sạn Tân Hoàng Cung lêu nghêu 15 tầng.

Công trình này hiện vẫn “phô diễn” sự thô thiển và lỗi nhịp giữa “bài thơ đô thị Huế”. Có thêm khách một sạn cao tầng tiến về phía bờ sông Hương người dân Huế không mừng mà lại lo!

Điều chỉnh quy hoạch cho dự án tồn tại

Từ đầu thập niên 90, xung quanh vấn đề kiến trúc - xây dựng, tổ chức không gian đô thị Huế, Thủ tướng Chính phủ - lúc đó là ông Võ Văn Kiệt - khi ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế đến năm 2010 đã lưu ý:

Sông Hương là trục thiên nhiên khớp nối giữa hai khu vực bắc và nam thành phố Huế, bảo đảm cho quá trình phát triển đô thị trong một cơ cấu thống nhất, khi xây dựng các công trình bên bờ sông Hương cần phải cân nhắc kỹ để không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp truyền thống của thành phố.

Việc quy hoạch xây dựng thành phố phải bảo đảm tính kế thừa và nâng cao những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, bảo vệ, cải thiện cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm mật độ, tầng cao hợp lý…

Tuy nhiên, những lưu ý mang tính pháp lý và khoa học ấy đã và đang tiếp tục bị phủ định bởi Huế có nhiều dự án, nhiều đại công trình khách sạn cao tầng tiến dần về bờ sông Hương ở khu trung tâm thành phố.

Lý giải cho sự biến đổi này, giới chức và các nhà chuyên môn ở Huế cho rằng, Huế cần phải có những điều chỉnh nhất định về tổ chức không gian kiến trúc, quy hoạch, quy mô công trình xây dựng để tạo hướng mở phù hợp thu hút đầu tư.

Việc cho phép xây dựng Khách sạn cao tầng tại số 2 Hùng Vương là một trong những ví dụ điển hình về hướng mở “thu hút đầu tư” thời gian gần đây.

Tháng 6/2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm phía nam TP Huế thì tháng 11/2005 lại cho phép Chi nhánh Cty TNHH Đá quý Thế Giới nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng Khách sạn theo hướng cao tầng tại vị trí số 2 đường Hùng Vương - tiếp giáp với khách sạn Morin, chiều cao chỉ có 2 tầng, mới được phép nâng thêm 1 tầng vì nằm cạnh bờ sông Hương và cầu Trường Tiền.

Căn cứ quy hoạch do UBND tỉnh đã phê duyệt, khu đất 2 Hùng Vương nằm trong phạm vi cho phép xây dựng công trình không quá 4 tầng, chiều cao từ 18m trở xuống.

Tuy nhiên, để chiều lòng nhà đầu tư về quy mô xây dựng Khách sạn cao tầng (khoảng 45m, cao từ 12-14 tầng), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn gấp rút “điều chỉnh” phần nhỏ trong quy hoạch vừa được duyệt theo hướng để cho công trình này được hợp pháp hoá.

Đầu năm 2006, Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tham gia của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tỉnh, sau đó đi đến thống nhất, chấp nhận giải pháp chiều cao công trình Khách sạn 2 Hùng Vương là 9-12 tầng (khống chế từ 36-48m) đối với khối nhà tiếp giáp mặt trước đường Hùng Vương; và 5-6 tầng (20-24m) ở khối tiếp giáp di tích Hội quán Thanh niên.

Nguy cơ “thừa bê tông, thiếu cảnh quan” 

Ngoài mục đích tận dụng vị trí và quỹ đất “vàng” ven sông Hương, các nhà chuyên môn đã thừa nhận sự ra đời của hai khối Khách sạn cao tầng tại số 2 Hùng Vương là “chạy theo”, “chữa cháy” về mặt kiến trúc không gian cho khối nhà bê tông Khách sạn Tân Hoàng Cung (cao 60m, với mật độ xây dựng không dưới 70%) ở sát bên cạnh.

Vì Khách sạn Tân Hoàng Cung đã được chính quyền tỉnh và Bộ Xây dựng “lỡ” cho nhô cao nên bị lạc lõng ở phía bờ nam sông Hương. Đầu đi đuôi lọt, trong tương lai sẽ có thêm nhiều công trình dịch vụ - du lịch cao tầng “vây” xung quanh Khách sạn Tân Hoàng Cung tại các khu đất “vàng” hiện đang thuộc quyền sử dụng của trường THCS Nguyễn Tri Phương và Thành ủy Huế.

Với mật độ xây dựng dày đặc và các công trình tiếp tục vươn cao ở khu trung tâm, “bài thơ đô thị Huế” đang đứng trước nguy cơ bị các khối nhà bê tông chen vào và thiếu dần cây xanh, cảnh quan.

Chiều cao nhiều công trình kinh tế thách thức và vượt ngọn Kỳ Đài Huế - công trình được xem là “vật chủ” của một vùng đất. Kiến trúc Huế được cấu thành bởi 3 yếu tố cơ bản: vật kiến trúc, cây xanh, mặt nước. Nếu 3 yếu tố đó thay đổi, ngôn ngữ và đặc trưng kiến trúc Huế sẽ biến dạng.

Các khu đất vàng của Huế luôn luôn được giới đầu tư dịch vụ - du lịch giàu tiềm lực thèm khát. Nên nhớ rằng, các nhà đầu tư du lịch trước hết phải là một nhà văn hóa. Để từ đó có những ứng xử có văn hoá, có trách nhiệm đối với mỹ thuật kiến trúc và không gian cảnh quan “bài thơ đô thị Huế”.

Theo Tiền Phong