Với trù tính phát triển khu Mỹ Đình, tăng thêm diện tích phòng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, các chuyên gia quốc tế đều nhận định, giá thuê văn phòng tại Keangnam sẽ đối mặt với sự giảm sâu xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Keangnam Hanoi Landmark Tower của Việt Nam hiện đang được đánh giá là tòa nhà cao nhất khu vực Đông Nam Á sau tòa tháp đôi Petronas của Malaysia.
|
Đến nay, theo nguồn tin của Bloomberg thì Keangnam đang cho tăng diện tích khu vực văn phòng chính tại Thủ đô lên một nửa và điều này khả năng sẽ đẩy giá cho thuê xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Và theo như giới thiệu của ông Choi Yong-Ho, Giám đốc tiếp thị của Keangnam Vina, một đơn vị trực thuộc Keangnam Enterprises Hàn Quốc, công ty xây nên tòa nhà cao 346 mét này, thì khu phức hợp gồm một khách sạn, khu căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm và còn có thêm 100.000 mét vuông diện tích dành cho văn phòng.
Phần diện tích tăng thêm từ tòa tháp có thể tác động khiến giá cho thuê văn phòng khu vực Hà Nội hạ khoảng 8% trong nửa đầu năm, xuống mức thấp nhất kể từ quý IV/2006, theo đánh giá của Jones Lang LaSalle.
“Tòa tháp ‘tấn công’ thị trường với rất nhiều hạng mục”, Fraser Wilson, giám đốc Quỹ bất động sản Việt Nam tại Dragon Capital, nhà đầu tư tư nhân lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định. “Và điều đó có thể tác động một cách tiêu cực lên giá cho thuê.”
Tăng diện tích trống ảnh hưởng tới bức tranh chung của thị trường
Keangnam, nằm ở khu ngoại ô mới phía tây Mỹ Đình, mất khoảng 30 phút đi xe từ trung tâm thành phố Hà Nội. Giá thuê tại các tòa tháp trung bình 25 USD mỗi mét vuông so mức 40- 45 USD/m2 ở trung tâm thành phố. Các con số này chưa bao gồm các khoản thuế và phí dịch vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tòa nhà mới xây đã cho thuê được 30% diện tích khu văn phòng, trong đó có các tên tuổi LG Electronics và Standard Chartered. Tuy nhiên, theo đánh giá của phía Keangnam thì mức này đang còn ít hơn rất nhiều so dự kiến. Đến cuối năm, công ty kỳ vọng rằng sẽ lấp đầy được 70% và cho thuê hết tòa bộ trong năm tới.
“Với diện tích trống rất lớn, đặt trong bối cảnh kinh tế suy thoái, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của thị trường, cả về hiệu suất cho thuê và tỷ lệ tận dụng không gian, những yếu tố hình thành nên bức tranh không mấy triển vọng cho toàn bộ thị trường nói chung”, ông Thái Quang Trung, giám đốc nghiên cứu và tư vấn tại công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam nhìn nhận.
Theo đánh giá của JJL, tỷ lệ không gian trống hạng A, tức hạng mục có mức thuê đắt nhất của khu vực văn phòng ở Hà Nội đã tăng lên 34,5% vào cuối năm 2011 từ 9,8% trong quý III..
Giá cho thuê giảm
Trong khi đó, mức giá cho thuê tại Thủ đô đã giảm 11% xuống trung bình còn 28,9 USD/m2 trong quý thứ IV, thời điểm dự án Keangnam hoàn thành, và có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong nửa đầu năm khi mà nguồn cung từ các tòa nhà mới xây xuất hiện, ông Trung nói. Còn với nhẩm tính của ông Choi thì giá thuê tại trung tâm thành phố Hà Nội cũng sẽ giảm khoảng 15% cùng với Keangnam.
Thị trường bất động sản của Việt Nam thời gian gần đây đang trầm lắng do chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Triển vọng với thị trường bất động sản cũng có thể sẽ tiêu cực bởi ảnh hưởng từ những chính sách kinh tế vĩ mô thời gian tới. Theo đó, từ 13/2, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố sẽ tiếp tục hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, với vị trí đắc địa ở Mỹ Đình, nơi đang đặt các cơ quan Chính phủ mà cụ thể, ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì Bộ Ngoại giao cũng sẽ được chuyển về đây, ông Choi cho biết, Keangnam cũng đang tính toán để phát triển khu vực này.
Theo dữ liệu được Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị (The Council on Tall Buildings and Urban Habitat - CTBUH) cung cấp, so với thế giới, Keangnam đang có độ cao ngang với Center ở Hồng Kông, hơn cả Shimao International Plaza ở Thượng Hải hay John Hancock ở Chicago.
DiaOcOnline.vn - Theo Bloomberg/ Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: