Nhà đầu tư ngoại hợp tác với doanh nghiệp Việt theo kiểu có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.
Trong ba tháng đầu năm nay, thị trường địa ốc đã chứng kiến nhiều cái bắt tay giữa công ty trong nước với nhà đầu tư ngoại để phát triển nhiều dự án “khủng” với hàng chục ngàn căn hộ.
Vốn ngoại đổ vào nhà đất
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group đã hợp tác với hai công ty địa ốc của Việt Nam là An Gia Investment và Phát Đạt. Theo đó quỹ trên rót đến 500 triệu USD cho dự án River City với 8.000 căn hộ chung cư tại quận 7, TP.HCM.
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Fideco, Dệt may Liên Phương và Quỹ đầu tư Pavo của Anh để xây dựng các dự án chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng ở khu trung tâm thành phố, khu dân cư ở quận 9 và huyện Cần Giờ. Sắp tới đây, quỹ đầu tư của Singapore là SynGience sẽ hợp tác cùng Công ty L&L-LuckyLand phát triển hai dự án với hơn 1.000 căn hộ...
Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư ngoại cũng bắt tay với nhà đầu tư trong nước. Thực tế cho thấy các nhà đầu tư ngoại thường đầu tư vào các công ty địa ốc Việt thông qua rót vốn trực tiếp vào dự án, mua lại cổ phần hoặc cho vay.
Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch quỹ Creed Group của Nhật Bản, nhận định: “Hiện nay Việt Nam cũng tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những năm đầu mới hình thành và phát triển. Khi đó, nhu cầu về các loại hình nhà đất của người dân và doanh nghiệp rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững mạnh. Vì vậy, chúng tôi chọn các đối tác uy tín tại Việt Nam để hợp tác đầu tư quy mô lớn”.
Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đánh giá thị trường địa ốc Việt Nam đang dần phục hồi, nhu cầu nhà ở đang tăng cao, còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khai thác. Chính vì vậy họ mạnh dạn rót vốn “khủng” vào nhà đất Việt Nam.
Khách hàng tham quan căn hộ do một công ty Việt hợp tác với quỹ đầu tư Nhật Bản. Ảnh: QH
|
Thế của doanh nghiệp Việt đã khác
Trước đây các công ty Việt thường hợp tác với nhà đầu tư ngoại ở thế thụ động. Chẳng hạn các công ty Việt chỉ mong muốn được định giá đất chiếm 30% tổng mức đầu tư khi hợp tác với nước ngoài. Sau đó mọi hoạt động đều do phía nước ngoài quyết định. Do đó, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn “lũng đoạn”, họ chỉ cần nâng vốn điều lệ lên là công ty Việt “chết” vì không có nguồn lực bổ sung để giữ tỉ lệ vốn như ban đầu.
Nay việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi. Hiện nhiều công ty Việt Nam đã chủ động hơn, giữ cổ phần chi phối và kiểm soát được tình hình vì kinh nghiệm, năng lực quản trị đã được nâng lên so với trước.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I năm nay, có 600 công ty bất động sản được thành lập mới, tăng 146% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Sở KH&ĐT TP.HCM, tính đến nay lĩnh vực bất động sản vẫn đứng đầu thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn trên 14 tỉ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: