Top

HoREA: Năm 2017 khó có bong bóng bất động sản

Cập nhật 20/12/2016 13:27

Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản trên thị trường trong năm 2017, theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).


Các dự án bất động sản cao cấp đang tiếp tục mọc lên ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc

Theo hiệp hội quy tụ những nhà phát triển bất động sản ở thị trường lớn nhất cả nước, năm 2017 dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại của năm 2016 và sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản cao cấp, bao gồm cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Thị trường cũng sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị. Trong đó, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây.

Một lưu ý khác, tới đây, thị trường sẽ phải có nhiều hơn quy phạm pháp luật và các công cụ về thuế (như thuế đánh vào người có nhiều nhà, thuế bất động sản), về tín dụng (như lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước), về quy hoạch (như quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở), về nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng (như bảo lãnh ngân hàng; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn; công bố dự án đã thế chấp...), để điều chỉnh thị trường bất động sản.

Một thay đổi gần đây là quy mô thị trường bất động sản TPHCM đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh", nhất là tại các huyện giáp ranh thành phố. Theo hiệp hội, xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường và an toàn thì mới đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2016, theo HoREA, thị trường vẫn phát triển song tốc độ đã chững lại và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng...

Báo cáo chi tiết cho biết, trên thị trường bất động sản TPHCM năm 2016 đã có thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở. Chỉ riêng Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng.

Trong số này, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 20,3%; có 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 60,3%; và 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm tỷ lệ 21,6%... Phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7% đang là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ.

Một số doanh nghiệp tiếp tục không làm tròn trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng. Vẫn có dự án chưa đủ điều kiện sử dụng, chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chưa đảm bảo an toàn nhưng đã bàn giao cho người mua nhà; nhiều trường hợp người mua nhà nhiều năm vẫn chưa được chủ đầu tư làm "sổ hồng"; hoặc có trường hợp chủ đầu tư đem thế chấp căn hộ đã bán cho người tiêu dùng.

“Đây là vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và đòi hỏi Nhà nước cần phải có biện pháp xử lý các chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật”, theo hiệp hội này.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG