Top

Xây bãi giữ xe cao tầng để giảm ùn tắc

Cập nhật 20/12/2016 09:21

 TP HCM vừa đề xuất đầu tư xây 6 bãi giữ xe cao tầng với kỳ vọng đẩy lùi ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày càng trầm trọng

6 bãi giữ xe trên sẽ được xây dựng tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), Công viên 23 Tháng 9 (quận 1), chung cư Lý Thường Kiệt (quận 10), Bến xe Chợ Lớn (quận 6), Bến xe Tân Phú (quận Tân Phú) và Bến xe quận 8.

Cấp bách nhưng phải kỹ

Để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trên, TP HCM kiến nghị trung ương cơ chế chỉ định nhà đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng hợp tác công tư) vì nó mang tính cấp bách để giải bài toán ùn tắc giao thông. Kế đến, để kêu gọi các chủ đầu tư, TP HCM kiến nghị các bộ, ngành ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe; miễn tiền thuế đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích phục vụ cho hạng mục đậu, đỗ xe và các hạng mục liên quan của công trình xây dựng bến bãi cho các doanh nghiệp đầu tư hay cho phép thí điểm miễn tiền thuê đất ít nhất là 15 năm (đối với phần diện tích dành cho khu vực bãi giữ xe) kể từ ngày hoàn thành đưa vào hoạt động. Đặc biệt, kiến nghị đưa các dự án này vào trong nhóm xây dựng hạ tầng để khuyến khích cho vay vốn đầu tư.

Bãi giữ ô tô trên đường Lê Lai, cạnh Công viên 23 Tháng 9, quận 1, TP HCM, luôn thiếu chỗ vì cầu nhiều hơn cung Ảnh: SỸ ĐÔNG

Nói về việc cấp bách này của TP HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia kinh tế đô thị - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia Trường Đại học KHXH-NV TP HCM), cho rằng việc xây dựng bãi giữ xe nhiều tầng là cần thiết và trước sau gì cũng phải làm. Tuy vậy, hiện nay ở TP, các trung tâm thương mại có nhu cầu về việc gửi xe thì không còn quỹ đất còn các khu vực có quỹ đất nhiều khi người dân không có nhu cầu gửi xe. Do đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nên khảo sát kỹ và đưa ra tiêu chí cụ thể, sát với tình hình thực tế để tránh lãng phí.

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cũng khuyến cáo Sở GTVT nên làm một quy hoạch bài bản về bãi đậu xe, giữ xe cho TP, chứ đừng quá vội vàng trong thực hiện. Trong quy hoạch cần phân tích rõ nhu cầu hiện tại và dự báo tương lai. “Đặc biệt, để các bãi giữ xe cao tầng phát huy hiệu quả, để nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc không còn thì nhất thiết phải “triệt” hơn 300 điểm giữ xe không phép đang tồn tại trên địa bàn” - ông Phạm Sanh nhấn mạnh và nói thêm: Nếu không “triệt” được các bãi giữ xe không phép lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì có xây thêm bãi giữ xe cao tầng cũng không thể đẩy lùi được nạn đậu xe sai quy định.

Kết nối đồng bộ

Qua ghi nhận, các tuyến đường xung quanh địa điểm dự kiến làm bãi giữ xe cao tầng đều có lượng phương tiện đông đúc, nhiều phương tiện phải đậu dưới lòng đường. Khu vực Công viên 23 Tháng 9, ô tô đậu kín một làn đường trên các tuyến như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai. Ở trong công viên, một diện tích lớn được sử dụng làm nơi đậu xe buýt, lối đi bộ cũng trở thành nơi giữ xe gắn máy. Ở khu vực gần khách sạn New World, một bãi giữ xe có thu phí đậu dưới lòng đường.

Còn các tuyến đường quanh Bến xe Chợ Lớn cũng buôn bán tấp nập nhưng thiếu hẳn bãi giữ ô tô và xe máy. Trong khi đó, lòng đường trở thành nơi buôn bán nên tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày. “Ở đây xây bãi giữ xe cao tầng là quá hợp lý” - đó là khẳng định chung của người dân cũng như doanh nghiệp ở khu vực Công viên 23 Tháng 9 và Bến xe Chợ Lớn.

Nhu cầu thì đã thấy nhưng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, muốn phát huy hiệu quả của các bãi giữ xe thì phải kết nối được với các phương tiện giao thông công cộng. Nếu không giải được bài toán kết nối sao cho đồng bộ thì những bãi giữ xe này sẽ khuyến khích người dân đổ về đây vì có chỗ đậu xe. Như vậy, hậu quả tất yếu sẽ gây ra kẹt xe nghiêm trọng hơn do lượng xe cá nhân tăng lên mà hạ tầng không đáp ứng kịp.

“Nếu bãi giữ xe cao tầng làm cho người dân thấy thuận tiện khi gửi xe cá nhân rồi lên các phương tiện giao thông công cộng để vào khu vực trung tâm thì tôi tin rằng nó sẽ góp phần giảm đáng kể lượng xe ở khu vực trung tâm. Đồng nghĩa với ùn tắc ở trung tâm sẽ giảm” - KTS Nam Sơn phân tích.

Dù ủng hộ nhưng ông Nguyễn Thành Hoa (ngụ đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1) đề nghị TP phải có phương án tổ chức giao thông ở các tuyến đường xung quanh Công viên 23 Tháng 9 cho hợp lý, tránh tình trạng gây ùn ứ cục bộ ở khu vực có bãi giữ xe. Ngoài ra, các bãi xe cao tầng sẽ gây ra tiếng ồn nên cũng có giải pháp giảm thiểu tiếng ồn để hạn chế những tác động xấu đến người dân.

Thiếu bãi giữ xe trầm trọng

Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) của TP HCM được Chính phủ phê duyệt từ nay đến năm 2020 là hơn 1.145 ha, song thực tế bến bãi hiện có trên địa bàn TP chỉ mới đạt 76,8 ha (khoảng 6,7%).

Từ lâu, chính quyền TP đã quan tâm đến việc xây dựng các bãi giữ xe mà cụ thể là nhiều năm trước UBND TP HCM phê duyệt 4 dự án xây bãi đậu xe ngầm là Công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư, Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng. Thế nhưng đến nay, các bãi giữ xe này vẫn nằm trên giấy. Lý do được các đơn vị đầu tư đưa ra là không thể thu hồi vốn.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ