Sau khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán đất, anh H. mới biết có đến bốn “cò đất” cùng chia số tiền 22 triệu đồng - khoản phí dịch vụ môi giới - trong đó có cả giám đốc công ty kinh doanh địa ốc...
Sẻ chia “tiền cò”
Gần 15 năm làm việc trong ngành du lịch ở đất Sài Gòn, anh H. (quê Daklak) cũng dành dụm được chút vốn liếng. Nhưng do giá nhà đất ở đây quá cao nên anh vẫn chưa thể tìm được một chốn an cư như từng ao ước. Giờ đây, thị trường bất động sản đã đóng băng, theo anh H., giá nhà đất đã “vượt qua con dốc cao nhất”, nên anh bắt đầu tìm kiếm để sở hữu “mảng trời mơ ước” cho mình.
Sau khoảng hai tháng đọc các mẩu quảng cáo trên báo, trên mạng, các tờ rơi (cò đất phát khắp các ngã tư đường phố), giới thiệu của bạn bè... Cuối cùng anh H. thấy ưng ý lô đất sít soát 100 mét vuông trong khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Và, suốt thời gian tìm hiểu về lô đất, trong vòng khoảng một tuần, có đến gần chục “cò đất” tiếp cận và báo giá lô đất trên với H. với nhiều mức khác nhau.
H. kể: “Nhiều lúc mình đang đứng tại lô đất nói chuyện với ông “cò” này thì bà “cò” kia điện thoại cho biết bà đang chạy tới...”. Các “cò đất” liên tục thay đổi giá bán (lúc lên, lúc xuống) khiến anh H. rối bời, khó hiểu. Nhưng rồi, vì chỉ có một người muốn mua nên một số “cò” đã bắt tay nhau báo giá thấp nhất mà người bán muốn bán; đồng thời làm cầu nối cho anh H. và người bán gặp nhau thương lượng trực tiếp.
Buổi thương lượng có người bán, người mua và xung quanh là một “bầy cò”. Người bán muốn bán giá 26,2 triệu đồng/mét vuông nhưng người mua chỉ đồng ý mua với giá 26 triệu đồng/mét vuông. Các “cò” cố gắng hết sức “nói dzô” để hợp đồng được ký kết, nhưng không bên nào nhượng bộ. Cuối cùng “cò” Hoàng (Công ty Đất X.) hội ý với các “cò” khác rồi nói: “Số tiền chênh lệch 200.000 đồng/mét vuông của 100 mét vuông là 20 triệu, bên bán chịu 5 triệu, bên mua chịu 5 triệu, còn 10 triệu sẽ trừ vào tiền môi giới - chúng tôi chịu”.
Sau khi hợp đồng ký kết, “cò” Dũng, giám đốc một công ty địa ốc tại Thạnh Mỹ Lợi, một trong bốn “cò” được chi tiền môi giới trong thương vụ của anh H., nói: “Bây giờ tìm người mua đất khó lắm, nên nhiều khi để người mua và người bán ký hợp đồng, ngoài việc bắt tay nhau, các “cò” phải hy sinh một khoản tiền môi giới mà mình được hưởng”. “Cò” Dũng cho biết, công ty của ông trước đây làm ăn phát đạt nhờ mua bán đất nhưng nay chỉ còn lại dịch vụ môi giới. Dù vậy, công ty cũng rất khó khăn vì có tháng không môi giới được một hợp đồng mua bán nhà đất nào. Giờ công ty chỉ còn lại mỗi mình ông, vừa là giám đốc, vừa là nhân viên... sống chờ qua cơn bĩ cực.
Có thể nói, đất ở quận 2, nhất là khu vực Thạnh Mỹ Lợi được cho là “điểm nóng” sau khi hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, theo ông Dũng, hiện rất hiếm người đến đây tìm mua. Trong khi mấy năm trước, người ta đổ xô về đây mua đất đến mức giá đất ở bờ bên kia sông Đồng Nai - Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch - cũng nhảy múa theo giá đất quận 2. Nhưng nay giới “cò đất” ở quận 2 “chết” thì “cò đất” bên kia sông Đồng Nai “sống sao nổi”.
“Cò” vùng ven đuối sức
Phạm Văn N., một “cò đất” có tiếng ở Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, cho biết mấy tháng nay anh không môi giới được một vụ mua bán đất nào. Hiện công việc chính của anh là lo thủ tục, giấy tờ cho những người (ở TPHCM) trước đây mua đất tại địa phương giờ bị thu hồi vì các dự án. “Công việc này chẳng vui vẻ gì nhưng không làm thì biết làm gì!”, anh N. nói.
Theo anh N. rất nhiều “cò đất” ở khu vực Nhơn Trạch giờ có người chạy xe ôm, người thu mua phế liệu, người cờ bạc... sống qua ngày chờ thị trường chuyển biến.
Một trong những dãy phố không một bóng người ở khu đô thị Mỹ Phước 3, tình Bình Dương. Ảnh: Quang Chung. |
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: