Top

Tái cơ cấu bất động sản:

Tìm cơ hội trong khủng hoảng

Cập nhật 28/04/2012 07:40

Mặc dù, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế không có một hợp phần nào riêng về tái cơ cấu thị trường bất động sản (BĐS) hay nói cách khác là kinh tế BĐS. Tuy nhiên sự khủng hoảng của thị trường BĐS đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Yêu cầu về tái cơ cấu kinh tế BĐS cũng đang là một đòi hỏi của cả quá trình tái cơ cấu nói chung.

Tại Hội thảo “BĐS 2012: cơ hội trong khủng hoảng” do báo DĐDN tổ chức đông đảo DN và chuyên gia đã cùng bàn giải pháp làm ấm thị trường BĐS

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, các DN, nhà đầu tư BĐS đã và đang trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn. Để tồn tại được đến ngày hôm nay, đó là sự nỗ lực to lớn của DN, nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, thì đây cũng là một cơ hội để DN, nhà đầu tư cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, kiện toàn bộ máy để phát triển bền vững hơn. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta nên xem đây như một cơ hội để thanh lọc lại thị trường BĐS, loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém, là liều thuốc thử để tạo bản lĩnh cho các DN, nhà đầu tư BĐS cũng như tạo bước đột phá để thị trường chuyên nghiệp hơn, đưa BĐS về gần nhất với giá trị thực, từ đó tạo nguồn cầu bền vững cho thị trường.

Thừa nhận những bất ổn

Mặc dù, cơ quan quản lý cũng như chuyên gia kinh tế đều né tránh khi nói là thị trường BĐS khủng hoảng, nhưng thực tế, ai cũng nhận ra sự bất ổn, xuống dốc đến mức “thê thảm” của thị trường này.

Ông Nguyễn Trọng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng phải thừa nhận những yếu kém trong quản lý và thực thi chính sách dẫn đến thực trạng như hiện nay. Ông Ninh đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế và sai sót như: quy hoạch chung vừa phê duyệt, quy hoạch phân khu mới có dự án đã mọc lên; tín dụng chưa hoàn thiện, thiếu vốn chung hạn và dài hạn, lãi suất cao, thủ tục vay chặt chẽ. Năng lực của DN còn hạn chế, đặc biệt, riêng cho vay nhà ở xã hội, ngân hàng nhiều dự án không đảm bảo vốn chủ sở hữu, tài sản thế chấp dẫn tới khó khăn của DN. Thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN, thiếu chế tài xử lý, định hướng...

Nhưng dù có nhiều khiếm khuyết như vậy, số lượng dự án các khu đô thị cả cũ và mới vẫn ùn ùn mọc lên. Theo Hiệp hội BĐS VN, quý I/2012, cả nước hiện có khoảng 486 khu đô thị mới, quy mô từ 20ha - 1.000 ha, tổng diện tích đất theo quy hoạch dự kiến là 74.057 ha, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa tiến hành triển khai. Riêng Hà Nội, sau khi rà soát các đồ án, dự án đầu tư xây dựng dự kiến có hơn 200/750 dự án BĐS được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2013, trong đó trên 60% là dự án nhà ở, khu đô thị mới.

Số lượng dự án thì nhiều, nhà đầu tư thứ cấp và cá nhân đã bỏ tiền vào cũng không ít. Tuy nhiên, số lượng các giao dịch thì hầu như không có. Theo ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp HĐQT BIDV, trong quý I/2012 hơn 350 sàn giao dịch BĐS đều vắng khách dù có rục rịch trở lại trong tháng 3/2012. Giá BĐS ở các phân khúc (thương mại, nhà ở, nghỉ dưỡng...) đều liên tục giảm giá. Căng thẳng chưa đến mức tê liệt nhưng cụm từ “phá sản” xuất hiện thường xuyên hơn. Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong quý I/2012 có 2.400 DN làm thủ tục giải thể. Môi trường kinh doanh nhìn chung đang xấu đi ở mức báo động. Báo cáo mới đây của WB, VN tụt 8 bậc (từ 90 năm 2011 xuống 98/183 nước) về môi trường kinh doanh năm 2012.

Sàng lọc và tái cơ cấu

Thị trường BĐS đã bắt đầu nhìn thấy những hướng đi mới khi NHNN đã mở van tín dụng với lĩnh vực này. Thị trường BĐS cơ bản đã trải qua một thời gian tự sàng lọc. Những DN và và đầu tư không chuyên nghiệp và không có thực lực đã bị loại ra khỏi “cuộc chơi” chỉ trong một thời gian ngắn. Số DN và nhà đầu tư trụ lại được ở thời điểm này về cơ bản là đã vượt qua được đáy của sự khó khăn. Thị trường BĐS đã bắt đầu nhìn thấy những hướng đi mới khi NHNN đã mở van tín dụng với lĩnh vực này.

Theo đại diện Bộ Xây dựng cho biết, bộ đang hoàn thiện và trình Chính phủ một loạt các văn bản pháp lý tạo hành lang cho thị trường BĐS lành mạnh phát triển. Từ việc rà soát dự án, tái cơ cấu thị trường BĐS, khuyến khích tăng sản phẩm nhà ở có quy mô nhỏ, tập trung nhà ở cho 8 nhóm đối tượng: Người có công, người nghèo, người công nhân, sinh viên, cán bộ công chức, nhân sĩ, sĩ quan lực lượng vũ trang… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu thành lập cơ quan tái thế chấp chứng khoán hoá BĐS, tìm ra hướng hình thành nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho thị trường BĐS, kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách thuế, xem xét thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi bổ sung Luật chứng khoán quy định hỗ trợ thị trường BĐS phát triển.

Hiệp hội BĐS VN đưa ra kiến nghị, NHNN nên tăng cường thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các khoản nợ của các DN BĐS, tập trung các DN có chỉ số tín nhiệm cao; có chính sách vay ưu đãi cho người tiêu dùng nhà ở thực sự; có các chính sách vay ưu đãi cho các DN thuộc thị trường vật liệu xây dựng để giảm chi phí đầu vào, góp phần hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm. Hiệp hội cũng đề nghị sớm đưa vào thí điểm mô hình Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở...

Ở góc độ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực cho rằng, nhà nước cần cụ thể hóa và đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu nền kinh tế; quyết tâm cải tiến môi trường kinh doanh, còn DN phải tự hoàn thiện bằng việc tự đổi mới. Ông Lực đã đưa ra 6 giải pháp giúp DN vượt khó khăn và vươn lên nắm bắt cơ hội như: Cắt giảm chi phí; nhìn ra bên ngoài; sử dụng các hình thức tiếp thị “ít tốn kém”; liên kết kinh doanh; quay lại những bài học cơ bản trong kinh doanh và không mắc lại lỗi lầm, học từ lỗi lầm và đi tiếp.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN