Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án cho phép doanh nghiệp được xây dựng căn hộ nhỏ diện tích từ 25-40m2 để trình Chính phủ phê duyệt nhằm khai thông thị trường bất động sản (BĐS).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các đô thị lớn hiện nay đang phải đối mặt với bài toán quá tải về hạ tầng đô thị, đặc biệt như quá tải về giao thông. Việc cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ “siêu nhỏ” là đi ngược với mục tiêu phát triển đô thị.
Cách đây ít ngày ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ này đang xây dựng đề án quản lý việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, chung cư, trong đó có nội dung bắt buộc các chủ đầu tư phải có từ 15 - 20% lượng căn hộ chung cư có diện tích từ 25 - 40m2. Vị đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, diện tích căn hộ nhỏ không đồng nghĩa với việc chất lượng thấp, do đó không nên lo ngại các căn hộ này sẽ biến dạng thành các khu ổ chuột trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cho phép xây căn hộ “siêu nhỏ” sẽ tạo thêm áp lực lớn lên hạ tầng đô thị đang quá tải.
|
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị khi trao đổi về vấn đề này đã có những ý kiến trái chiều. TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Thời điểm những năm 60 thế kỷ trước, chung cư cũ quy định tỷ lệ 6m2/người. Căn hộ 24m2 đáp ứng nhu cầu ở được cho gia đình 4 người. Tuy nhiên, số thành viên gia đình ngày càng tăng nên không đáp ứng được. Nhiều chung cư cũ hiện nay đã thành các khu ổ chuột do tình trạng quá tải. Bây giờ cho phép xây căn hộ nhỏ 25m2 liệu có đáp ứng được đến nơi đến chốn nhu cầu ăn ở của người dân.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện phó Thường trực Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng bày tỏ lo ngại, căn hộ siêu nhỏ về lâu dài không phù hợp với sự phát triển của một thế giới hiện đại và sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong tương lai. Cần phải cân nhắc thực tiễn, những căn hộ siêu nhỏ phù hợp với ngày hôm nay nhưng 20-30 năm sau không ai dám chắc Nhà nước không phải bỏ ngân sách đi giải quyết hậu quả của lịch sử để lại!
TS Liêm băn khoăn rằng không hiểu Bộ Xây dựng xuất phát từ căn cứ nào để quy định bắt buộc tỷ lệ từ 15-20% lượng căn hộ diện tích nhỏ trong các khu đô thị, chung cư, bởi có địa điểm dù có xây nhỏ vẫn ế vì người dân ở khu vực đó không có nhu cầu căn hộ nhỏ.
Theo TS Liêm, không phải vô cớ mà điều 40 của Luật Nhà ở quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại (dạng chung cư) phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11m2, vì đó là giới hạn diện tích tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi người.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là cách làm manh mún, không đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị. Đô thị phát triển phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có cả nhà ở của người dân. Các khu đô thị, các dự án chung cư đã được phê duyệt đều nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển bền vững về diện tích, mật độ dân cư, nếu cho phép xây căn hộ nhỏ, các doanh nghiệp sẽ “lao” vào làm, từ đó sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị.
Ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ (Cengroup) cho rằng: Cần phải tính tới hệ lụy quá tải về hạ tầng như chỗ đậu xe, dân tập trung quá đông từ đó ảnh hưởng tới tiện ích công cộng...
Câu chuyện để người dân có nhà là một câu chuyện khác, còn câu chuyện của thị trường BĐS là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đã là thị trường thì nên để cho nó vận động theo đúng quy luật thị trường, cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: