Top

Hết khổ vì dự án treo?

Cập nhật 10/07/2014 11:13

Hàng trăm dự án vừa bị UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, ngưng triển khai do chủ đầu tư không có khả năng về tài chính, vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng… cho thấy TP cương quyết giải quyết tình trạng dự án treo.

Trên địa bàn TPHCM hiện có 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích hơn 11.770ha, nhưng hiện nay có 1.811ha đất dự án đang được xây dựng, 7.253ha (61,62%) đang ngưng triển khai, 1.138ha đã thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư.

Một cán bộ của Sở Tài nguyên-Môi trường cho hay kiểm tra thực tế và báo cáo từ chủ đầu tư dự án cho thấy nhiều dự án đã được cơ quan chức năng giao đất, cho thuê đất, chấp thuận chủ trương đầu tư cả chục năm nay nhưng dường như chủ đầu tư không triển khai hoặc công tác đền bù dở dang. Thí dụ, dự án khu dân cư Hưng Long có quy mô 42ha do CTCP Đức Thành thực hiện đầu tư tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh được Ban quản lý khu Nam chấp thuận chủ trương đầu tư bằng Công văn 541 ngày 5-12-2001, nhưng đến tại thời điểm này chủ đầu tư chỉ mới đền bù được 50%. Một số dự án khác triển khai dở dang về hạ tầng cũng rơi vào tình trạng “trùm mền” do thị trường BĐS khó khăn như dự án Đông Tăng Long (quận 9) có quy mô 159ha, dự án được triển khai cơ bản san lấp hạ tầng, thi công đường nội bộ, cây xanh…

Nhưng từ nhiều năm qua chủ đầu tư ngưng thi công do đầu ra bị tắc, gây nên tình trạng hoang hóa, nhếch nhác… Tình trạng dự án hoang hóa, quy hoạch treo là hậu quả của một thời thẩm định dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất quá dễ dãi, ai cũng có thể “xí phần” dự án nhưng khả năng có hạn. Hầu hết các dự án rơi vào tình trạng nói trên do đầu ra bị tắc, chủ đầu tư không có khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng.

Mới đây UBND TPHCM cho biết sẽ siết chặt hơn trong việc áp dụng Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong đó có quy định buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư BĐS, áp dụng k

hông chỉ ở lĩnh vực kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê mà cả lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, dự án có vốn càng cao số tiền ký quỹ sẽ càng lớn. Đồng thời, chủ đầu tư phải có bản cam kết tiến độ thực hiện dự án hết sức rõ ràng. Nếu dự án nào không triển khai đúng tiến độ dứt khoát sẽ bị mất tiền ký quỹ, buộc trả lại giấy chứng nhận đầu tư để TP kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện.

Giải thích về quy định này, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết đây không phải là chuyện TP tạo ra chế tài nhằm gây khó cho nhà đầu tư để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Ngoài việc áp dụng các quy định trên, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát triệt để các dự án đã xin giấy phép từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xây dựng xong để xử lý thu hồi hoặc hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai, tùy từng trường hợp.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng đây có thể xem là một quy định khiến các chủ đầu tư vốn đang sống dở chết dở càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh BĐS không bán được, nhà đầu tư không có tiền, nên nếu phải ký quỹ sẽ phải vay tiếp, dẫn đến việc nợ chồng nợ... Và cũng đã có nhiều lo ngại quy định này sẽ lại vô hình trung khiến giá nhà đất tăng lên chứ không giảm xuống như kỳ vọng. Ông Tín cũng cho biết, những dự án có quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của Nhà nước thì người dân vẫn được đảm bảo các quyền cơ bản như xây dựng, chuyển nhượng, cấp giấy chủ quyền…


Dự án chung cư - TTTM Gia Định do CTCP Đầu tư Gia Định làm chủ đầu tư "trùm mền" từ nhiều năm nay. Ảnh: TR.GIANG

Đối với các dự án bị thu hồi, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đề nghị phải trả lại quyền lợi ngay cho người dân tránh việc treo từ dạng này sang dạng khác. Với những việc làm cương quyết nói trên, liệu người dân TPHCM sẽ hết khổ vì dự án treo?

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư