Top

Hệ lụy từ việc chậm điều chỉnh luật

Cập nhật 17/07/2017 13:14

Sau hơn 2 năm thực hiện, Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa (QĐ 33) đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, gây hậu quả lớn cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng tại địa bàn một số quận - huyện.

Những căn nhà dã chiến xây lên để lách luật tại một dự án phân lô trên đường Nguyễn Xiển, quận 9 TPHCM

Để chấn chỉnh tình trạng này, từ tháng 5-2016, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 43/2014 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) theo hướng cho phép cấp tỉnh, thành được hướng dẫn tách thửa đất nông nghiệp và các loại đất khác.
Ngày 6-1-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Thế nhưng, từ hơn nửa năm qua, các bộ ngành trung ương vẫn chưa có thông tư hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Do vậy, TPHCM không thể bổ sung, thay thế một số quy định không phù hợp trong QĐ 33. Lợi dụng sự chậm trễ trong quy trình điều chỉnh luật, ở một số địa bàn thuộc các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, quận 12, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tìm cách tiếp tục tách thửa, phân lô, bán nền trên các thửa đất nông nghiệp. Điển hình của tình trạng này phải kể đến địa bàn của các xã Tân Thới Nhì, Tân Hiệp, Đông Thạnh, Thới Tam Thôn (Hóc Môn).

Tại nhiều khu vực, chính quyền không thể kiểm soát được tình hình, đầu nậu đất đai tự tung, tự tác, biến nhiều khu đất nông nghiệp thành những khu dân cư kém chất lượng, không bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép trên những thửa đất nông nghiệp sẽ lại tiếp diễn và đặt chính quyền vào việc phải giải quyết “chuyện đã rồi” trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng.

Tại một cuộc tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đã khẳng định đến thời điểm này QĐ 33 vẫn có hiệu lực thi hành. Như vậy, bên cạnh việc chính quyền địa phương vẫn tiếp tục giải quyết cho người dân khó khăn về nhà ở được tách thửa và xây dựng nhà, thì sẽ còn xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa thực hiện theo các phương án hạ tầng như trước kia. Hệ lụy của tình trạng chậm điều chỉnh luật sẽ còn gây khó khăn và để lại hậu quả đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TPHCM, rất khó có thể khắc phục trong một thời gian dài.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP