Top

TP.HCM thu hồi đất hơn 1.400 căn nhà ở khu Mả Lạng

Cập nhật 17/07/2017 10:06

Sau gần 10 năm “lỡ nhịp”, việc kiểm kê, đền bù và giải phóng mặt bằng khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) đang được tiến hành khẩn trương, để thực hiện siêu dự án ở trung tâm TP.


Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh bao quanh bởi các tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi và Trần Đình Xu. Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh, cho biết dân số toàn phường là 6.959 hộ dân với 24.135 nhân khẩu; riêng khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh gồm 3 khu phố 4, 5 và 8, có 1.833 hộ dân với 7.099 nhân khẩu.


TP.HCM thu hồi đất hơn 1.400 căn nhà ở khu Mả Lạng

Quy hoạch treo gần 20 năm

Ngày 16.7, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong khi mặt tiền 4 tuyến đường trên hoạt động buôn bán nhộn nhịp, thì đi sâu vào bên trong khu dân cư nhiều con hẻm rất hẹp, có những hẻm chỉ đủ cho một xe máy lưu thông; nhiều căn nhà rất nhỏ, chật chội. Hầu hết người dân ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã nhận thông báo thu hồi đất từ UBND Q.1, nhưng vẫn băn khoăn về việc đền bù, tái định cư...

Ông Nghĩa, ở hẻm 155/13 Cống Quỳnh, nhà chỉ rộng khoảng 20 m2, gia đình ông ở gác trên, còn gia đình người chị ở phòng bên dưới với 5 thành viên. “Chúng tôi ở đây mấy chục năm rồi, lao động mưu sinh cũng loanh quanh ở Q.1. Nhà trong khu quy hoạch từ năm 2000, nay nghe đền bù, giải tỏa để thoát khỏi cảnh bị “treo” thì bà con mừng lắm, nhưng không rõ là phương án đền bù, tái định cư ra sao để có thể ổn định cuộc sống”, ông Nghĩa nói.

Nhiều hộ dân khác cũng có lo lắng tương tự. Một số hộ dân cho biết trước đây khi nghe đền bù, giải tỏa, họ đã chủ động vay mượn tiền để lo chỗ ở mới, chờ nhận tiền đền bù sẽ trang trải khoản tiền vay mượn, nhưng rồi việc đền bù bị dừng lại khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Những con hẻm chật hẹp trong khu Mả Lạng

Đền bù theo giá thị trường

Trả lời PV Thanh Niên, ông Lương Quý Hòa, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.1, cho biết từ năm 2000 TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa nhằm thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng. Thời điểm đó, dự án được giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án này vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Đến năm 2007, UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi là khoảng 68.500 m2; tổng số nhà dự kiến giải tỏa toàn phần là 1.424 căn, trong đó 1.391 căn của cá nhân và 33 căn của 22 tổ chức.

“Đây là dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn nhất của Q.1 từ trước đến nay về cả diện tích lẫn số lượng nhà dân bị giải tỏa. Phương án đền bù lần 1 được tính toán vào năm 2009 lên đến khoảng 5.000 tỉ đồng. Sau gần 10 năm không thực hiện, số tiền đền bù vào thời điểm này tuy chưa được tính toán cụ thể nhưng khả năng sẽ rất lớn”, ông Hòa cho biết thêm.

Về phương án đền bù cụ thể, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết đến thời điểm này Q.1 mới thực hiện bước 1 là ban hành 1.424 thông báo thu hồi đất, gửi đến các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng, đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở UBND P.Nguyễn Cư Trinh và tại bản tin khu phố 4, 5, 8. Kế hoạch đền bù, giải tỏa sẽ trải qua 11 bước; sau khi có thông báo thu hồi đất, sẽ thực hiện các bước tiếp theo như: điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thuê đơn vị thẩm định giá độc lập, lập phương án tái định cư, xác định mức giá đền bù cụ thể…

Theo ông Hải, việc thẩm định giá đền bù sẽ tính theo giá thị trường, dựa vào giao dịch thành về việc mua bán nhà ở trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, dự kiến cuối năm 2017 công bố mức giá đền bù cụ thể; đến tháng 9.2018 hoàn thành công tác thu hồi đất. “Việc đền bù được thực hiện công khai, minh bạch, theo giá thị trường”, ông Hải nói và yêu cầu nhà đầu tư có những chính sách đặc biệt ưu đãi cho các gia đình diện chính sách, mất sức lao động... để sau khi giải tỏa, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.


Cuộc sống hằng ngày của một bộ phận người dân trong khu Mả Lạng

Tái định cư tại chỗ khoảng 900 hộ

Ông Hải cho biết hiện dự án trên chưa có điều chỉnh quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Theo quy hoạch ban đầu, khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh được chỉnh trang thành khu đô thị đa chức năng gồm căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, trường học, bệnh viện và khu vực tái định cư dành cho khoảng 900 hộ dân…

Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, cho biết chủ đầu tư sẽ tính toán chính sách đền bù linh hoạt. Theo đó, người dân có thể nhận tiền đền bù một lần để tự lo chỗ ở mới. Những trường hợp muốn tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư sẽ chuẩn bị quỹ nhà tạm cư, hoặc người dân có thể nhận tiền tạm cư để tự thuê nơi ở mới, chờ dự án hoàn thành thì quay về ở. Người dân muốn tái định cư tại chỗ nhưng cũng có thể nhận tiền đền bù một lần, sau đó căn cứ theo tiến độ dự án, nếu muốn quay về nơi ở cũ thì đăng ký, vì suất tái định cư vẫn được giữ lại cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong thời gian thực hiện dự án.

“Không phải đợi đến hôm nay thông báo thu hồi đất mới tính chuyện tái định cư, mà trước đó chủ đầu tư đã chủ động làm việc với UBND TP.HCM xúc tiến việc mua quỹ nhà ở có sẵn của TP để có thể bố trí tái định cư cho những trường hợp hộ dân có nhà bị giải tỏa diện tích nhỏ hơn 20 m2”, bà Dung nói và cho biết thêm, khi có phương án đền bù cụ thể mới tính toán được tổng mức đầu tư của dự án này.

Liên quan đến tiến độ dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung triển khai dự án, đảm bảo nguồn tài chính để nhanh chóng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Đoàn Ngọc Hải cam kết sẵn sàng kiến nghị TP thay đổi chủ đầu tư nếu chủ đầu tư hiện nay không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên