Nhiều căn biệt thự triệu đô bỏ hoang 5-6 năm nay vẫn chưa có người tới ở, dù từ đầu năm ngoái Hà Nội đã yêu cầu xử lý dứt điểm. Thị trường xuống dốc là lý do khiến các chủ đầu tư phó mặc tình trạng này.
Biệt thự bỏ hoang tại Cổ Nhuế. Ảnh: Hoàng Lan.
Tại nhiều khu như Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Linh Đàm và Lê Văn Lương kéo dài..., các căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang bao nhiêu năm nay giờ bị bao vây bởi cỏ dại um tùm và rác thải chất đống phía ngoài. Có nơi, xú uế và kim tiêm vương vãi khắp nền nhà. Hầu hết nhưng căn này đều ở dạng xây thô, chưa hoàn thiện, không lắp cửa thậm chí chẳng tường bao bên ngoài. Một số khu bỏ hoang là địa điểm cho thợ xây và quán nước rong tá tấp.
Giữa trưa hè nóng nực, căng vội tấm bạt để che, một người bán nước tại Cổ Nhuế cho biết, bác đã bán hàng trước căn biệt thự bỏ hoang được 5 năm. Trước khi dọn hàng, người phụ nữ này đều phải dọn sạch kim tiêm và xú uế để có thể hưởng “khí trời” thoáng đãng. Nhờ tìm được vị trí thuận lợi để tránh mưa gió thất thường, bác cho biết mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. “Mỗi khi trời mưa, đường phố ngập lụt nên căn biệt thự hoang là nơi lý tưởng để trú. Nơi này được sang nhượng qua tay nhiều người nhưng vẫn chưa có ai đến ở”, bác cho biết.
Tại khu đô thị Linh Đàm, bên cạnh nhưng căn lăn bả sáng bóng, nhiều biệt thự hoang được rào dậu cẩn thận xung quanh, hốc cửa ra vào cũng được xây gạch kín mít để tránh nghiện hút tụ tập. Tuy nhiên, ngoài vườn, cỏ mọc tốt tươi, xung quanh rác chất đầy. Phần lớn đã được mua đi bán lại nhiều lần, sau thời giá lên đỉnh điểm trên chục tỷ đồng mỗi căn hồi 2010.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Bất động sản B.D.S cho hay, không chỉ ở dự án mới mà ngay tại các đô thị có "thâm niên" như Mỹ Đình, Linh Đàm, Pháp Vân, Việt Hưng... tỷ lệ nhà biệt thự, liền kề để không chưa đưa vào sử dụng rất cao. So với chung cư thì tỷ lệ biệt thự liền kề bỏ hoang nhiều do tình trạng "đại gia" mua để đầu cơ, làm của để dành nay lớn hơn rất nhiều.
Tại nhiều khu vực, nhất là vùng xa trung tâm, việc cho thuê khó khăn khiến nhiều căn nhà phải đóng cửa để đó, thậm chí chủ nhà cũng không muốn hoàn thiện. Ngoài ra, trong giai đoạn 2010 - 2011 giá nhà biệt thự, liền kề tại nhiều nơi được đẩy lên cao tạo thành giá ảo. "Nay thị trường xuống giá, các giao dịch tiền tỷ càng khó khăn hơn nên nhiều nhà đầu tư cũng đành 'bó tay' để mặc", ông Trường giải thích.
Tại khu Linh Đàm, biệt thự được rào dậu cẩn thận, hốc cửa ra vào cũng được xây gạch kín mít để tránh nghiện hút tụ tập. Ảnh: Thanh Tùng.
|
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6, thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Để hạn chế tình trạng này, Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng đối với các biệt thự bỏ hoang. Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra thông điệp siết biệt thự bỏ hoang. Trước đó, thành phố yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt. Ngay sau khi Hà Nội mạnh tay đối với biệt thự bỏ hoang, một số dự án đã cấp tập sửa sang lại. Tuy nhiên, cũng không ít chủ các căn biệt thự tiền tỷ vẫn "án binh bất động".
Biệt thự Quang Minh, từng bị nhắc nhở vì tỷ lệ bỏ hoang cao song hơn một năm nay, theo ban quản lý dự án, trong số 300 căn, mới chỉ có khoảng 30-40 hộ dân đến ở. Ban quản lý dự án cho biết, tất cả các biệt thự đã được bán từ rất lâu, việc người dân đến ở phụ thuộc vào quyền cá nhân và chủ đầu tư không “ép” được.
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, việc tồn tại hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang là hệ quả mang tính chất tất yếu của tình trạng đua đầu tư phân khúc bất động sản cao cấp trong một thời gian dài. Biệt thự bỏ hoang hiện nay chủ yếu tồn tại dưới dạng người dân thừa tiền mua đất chờ tăng giá hoặc đầu cơ.
Sở dĩ hơn một năm trời, mặc dù thành phố ra thông điệp siết chặt, biệt thự bỏ hoang vẫn nhiều nhan nhản, theo ông Võ, là do các giải pháp vẫn chưa tới, mới chỉ "loanh quanh". Sắc thuế bất động sản vẫn còn quá nhẹ, tỷ suất thuế tính vào giá trị đất theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định là 0,03% và không đánh thuế nhà ở. Trong khi nhiều nước khác đều đánh thuế tới mức 1%, thậm chí 5-10% theo giá trị thị trường.
"Người sở hữu nhiều nhà không lo gánh nặng thuế nên họ có thể vô tư mua, bán, đầu tư. Công cụ thuế được đưa ra nhưng chính sách vẫn còn ngập ngừng", ông Võ nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: