Top

Trung tâm tài chính 'ma' la liệt giữa Hà Nội

Cập nhật 19/07/2012 08:25

Được ví như những trung tâm kinh tế tài chính của Hà Nội nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khởi công, dự án đã đi vào quên lãng. Đến thời điểm này, nhiều trung tâm tài chính thương mại vẫn là bãi cỏ hoang.

Đã có một thời hàng loạt đại gia lớn đua nhau xây dựng trung tâm tài chính thương mại để thể hiện sự giàu có của mình. Hàng loạt dự án cao ốc văn phòng trung tâm thương mại mọc lên như nấm. Chẳng hạn, quanh quẩn tại khu vực Trần Duy Hưng, Cầu Giấy có tới hàng chục dự án, san sát nhau. Nơi đây đã từng được ví như một trung tâm tài chính kinh tế lớn tương tự như London, Hồng Kông hay New York,...

Bất ngờ kinh tế khủng hoảng. Tài chính, chứng khoán, ngân hàng gặp khó khăn, những dự án đó cũng chìm theo. Nhiều dự án triệu USD vẫn đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép, với lý do nhà đầu tư đăng ký dự án nhằm giữ chỗ, trong khi năng lực tài chính hạn chế. Viễn cảnh của những trung tâm tráng lệ này đã rơi vào tình cảnh cỏ hoang mọc um tùm, may mắn hơn thì được thuê lại làm sân bóng, bãi đỗ xe,... Những ông chủ yếu kém về tài chính còn mang "của để dành" ra làm tài sản để gán nợ, thế chấp ngân hàng.

Những dự án từng gây xôn xao

Nằm ngay tại vị trí khá đẹp của Hà Nội, dự án StarCity Center tọa lạc ngã tư Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến thuộc sở hữu của tập đoàn Ocean Group. Theo kế hoạch, tháng 12/2011, tập đoàn Đại Dương đã khởi công dự án này. Đây là một trong những dự án lớn có tổng mức đầu tư 12 nghìn tỷ đồng. Với tổng diện tích 5ha và 400.000m2 sàn xây dựng, dự án sẽ gồm tổ hợp khu văn phòng, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại khép kín với đầy đủ các dịch vụ và tiện ích. Song, đến nay, tất cả vẫn yên ắng.

Cách đó không xa, dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) do Công ty đầu tư Bảo Việt làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự. Theo thông tin từ chủ đầu tư, IFT hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm tài chính sầm uất, là địa điểm lý tưởng cho các định chế tài chính, ngân hàng, tập đoàn kinh tế đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trung tâm tài chính quốc tế thành nơi bán trà đá. Ảnh: Duy Anh

Nơi đây được quảng cáo sẽ là một tổ hợp 34 tầng, với các khu thương mại và bán lẻ, khu dịch vụ và khu văn phòng. Liệu trong thời gian tới, dự án có được khởi công - đây vẫn là một câu hỏi lớn.

Gần đó, dự án trụ sở làm việc, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao 47 tầng được xây dựng tại lô E9 đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy do liên danh Vimeco - Hanel đầu tư. Với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.700 tỷ đồng, bao gồm tòa nhà cao 47 tầng nổi, 4 tầng hầm với chức năng được sử dụng là khu dịch vụ thương mại và văn phòng. Công trình dự kiến khởi công vào quý I/2011 và hoàn thành vào năm 2014, nhưng giờ thì cỏ mọc hoang.

Tháp văn phòng cỏ mọc hoang. Ảnh: Duy Anh

Còn dự án Lotus có số vốn khoảng 1 tỷ đôla do tập đoàn Kinh Bắc làm chủ đầu tư, hiện đang được cho thuê mặt bằng làm sân bóng, trông xe. Tòa nhà là công trình phức hợp đa chức năng gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 5 sao. Chủ đầu tư đã từng công bố sẽ khởi công dự án vào quý I/2011.

Trước đó, dự án Lotus do tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, có số vốn 500 triệu USD cao 15 tầng. Gặp khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã xin rút khỏi dự án và chuyển giao cho tập đoàn Kinh Bắc.

Tọa lạc tại lô đất vàng trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Ciputra Mall, một dự án thành phần trong khu đô thị mới Nam Thăng Long và được cho là trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội, cũng đang "đắp chiếu" một thời gian dài sau khi hoàn thành phần móng và tầng hầm.

Tại Hà Đông, dự án tháp Thiên niên kỷ cũng chung số phận. Sau thời gian dài, nơi đây vẫn là bãi đất hoang. Do nhà đầu tư nước ngoài là TSQ làm chủ đầu tư, sau nhiều lần điều chỉnh, đây là tổ hợp công trình đa chức năng gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ. Dự án được khởi công vào tháng 7/2008 và dự kiến hoàn thành vào 4/2010.

Tháp thiên niên kỷ vẫn còn trên giấy. Ảnh: Duy Anh

Sau thời gian dài, mảnh đất vàng giữa trung tâm quận Hà Đông vẫn bị bỏ hoang. Trên trang web của chủ đầu tư, thông tin chỉ vẻn vẹn vài dòng thông tin dự án, không có thời gian hoàn thành. Chủ đầu tư này cũng đã gặp rắc rối tại dự án Làng Việt kiều châu Âu với nhiều sai phạm về quy hoạch, tiến độ cũng như mâu thuẫn với khách hàng.

Xem xét lại năng lực chủ đầu tư

Những dự án trên chỉ là vài con số trong hàng chục dự án chậm triển khai. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã liệt kê hàng loạt dự án trong tình trạng "dậm chân tại chỗ" do nhiều "ông lớn" làm chủ.

Lý giải cho tình trạng dự án bỏ hoang, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài lý do mà các chủ đầu tư đưa ra là kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng... thì không ngoại trừ nguyên nhân năng lực tài chính chủ đầu tư có vấn đề.

Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các khu đất vàng bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số 33 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có 19 khu đất trống, chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2. Theo đó, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi không chỉ nhiều khu đất mà còn truy thu cả tiền cho thuê sử dụng sai mục đích. Một số dự án sẽ sau khi thu hồi sẽ được đấu giá lại...

Trong khi Hà Nội đang thiếu đất cho công cộng, những mảnh đất bỏ hoang không chỉ gây lãng phí về đất đai mà còn mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội. Nếu Hà Nội không mạnh tay, tình trạng trên vẫn có thể tiếp diễn.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF