Top

Những đại gia phận... “bạc như đất”

Cập nhật 19/07/2012 08:00

Từng là những người nổi danh đại gia một thời, khi hết tiền nhiều đại gia rơi vào con đường tù tội, thậm chí tìm đến cái chết để thoát nợ

“Đất sinh ra tiền” - câu nói quen thuộc thủa nào của những đại gia bất động sản nay phải đổi lại: “Đất sinh ra nợ”. Bởi lẽ câu đời “lên voi, xuống chó” đang hiện hữu một cách trần tục nhất cho số phận bi đát của không ít người lỡ “chôn” thân vào... “đất”.

Thời kiếm tiềm dễ như trở bàn tay của các đại gia nay đã là quá khứ

Đại gia nợ cả tiền... hoa quả


Tình cờ tôi gặp lại gã bạn một thời được nhắc đến là một tài năng trẻ thành đạt trong lĩnh vực bất động sản ở miền Bắc. Khi đó, T. - tên gã, luôn xuất hiện trên chiếc xe đắt tiền và “treo” vô số đồ hiệu trên người. Thế nhưng, lần gặp mặt này, với bộ dạng bi đát, T. khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Bên quán bia hơi vỉa hè, T. không giấu giếm hoàn cảnh của mình: “Ở đời có những điều không thể đoán trước được. Tôi vừa “cầm” chiếc đồng hồ có giá vài ngàn đô để lấy gần 10 triệu đồng chi tiêu. Những tài sản giá trị hơn như nhà cửa, xe ô tô, đất đai... cũng “gửi” ngân hàng “trông hộ” hơn năm nay.

Chậm rãi nâng ly bia, khuôn mặt đầy vẻ chán chường, T. bày tỏ: “Chiếc đồng hồ sáng nay đặt là vật dụng giá trị duy nhất trên người sau chiếc điện thoại Vertu vừa “đẩy” tuần trước. Chi tiêu sinh hoạt gia đình giờ chỉ còn biết trông chờ vào đồng lương giáo viên của vợ mà trước chỉ dùng để trả lương ô sin. Công ty thì ngấp nghé trên bờ vực phá sản, lác đác chỉ còn lại vài nhân viên nợ lương đến nửa năm. Tiền thiếu đồng nghĩa với bạn hàng sẽ yếu nên càng cố vùng vẫy lại càng ngập chìm trong nợ nần”. Chốt lại cho câu chuyện của mình, T. chỉ còn biết thốt lên: “Cuộc đời “lên voi, xuống chó”. Nhớ ngày nào còn vung tiền chẳng tiếc tay, nay phải đi gom từng đồng bạc lẻ để duy trì cuộc sống, đúng là... “bạc như đất”.

Câu chuyện của đại gia H. - một người thuộc dòng có số trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản ở xứ Thanh cũng bất ngờ. Cũng chẳng mấy ai để ý đến thủa “thăng hoa” hay lúc “bần hàn” của đại gia này, nếu như không có sự kiện mới được một tiểu thương kinh doanh hoa quả tiết lộ. Mặc dù, vẫn một bước lên xe đầy hào nhoáng, nhưng thực tế, vị đại gia này đang nợ tiểu thương kia vài trăm triệu tiền mua hoa quả để đi... “ngoại giao”. Biết vận của vị này đã hết thời song bà chủ hàng vẫn phải “cắn răng” cho nợ tiếp, vì nếu làm mất lòng thì khoản nợ trước khó lòng đòi được.

Hệ lụy cho những người... lỡ tin

Đem chuyện của những đại gia thời khánh kiệt ra kể với một ông bạn đang là chủ một salon ô tô ở Hà Nội, tôi nhận được tiếng thở dài. Theo lời kể lại thì ông bạn này cũng đang đau đầu với vài đại gia “ruột” (là giám đốc một số sàn bất động sản - PV) với món nợ hàng trăm triệu đồng họ “găm” nửa năm nay mà chưa thấy tín hiệu trả. Như thường lệ, sau khi xe nhập về, trừ đi tiền đặt cọc, các “thượng đế” sẽ thanh toán sòng phẳng và không quên “bo” thêm cho salon đôi ngàn đô tiêu vặt. Đầu năm 2012, salon của ông này đổi đời xe cho hai ông khách VIP, nhưng giao xe đã 6 tháng, còn rơi rớt vài trăm triệu tiền thuế mà vẫn không thể đòi được. Khi đại gia lỡ vận, rủi ro lớn nhất luôn thuộc về những người đã cả tin gửi gắm gia sản tiền bạc cho họ.

Câu chuyện sau đây là một ví dụ điển hình cho cái gọi là “hào quang chớp nhoáng” của kiểu ăn xổi trong giới kinh doanh bất động sản. Chắc hẳn dư luận vẫn còn chưa quên vụ đại gia thủy sản ở Cần Thơ sau khi “vỡ trận” với số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trước đó, để tạo dựng một lớp vỏ bên ngoài với các chủ nợ, vị đại gia này đã tổ chức đám cưới cho con đầy ấn tượng và hoành tráng. Thông tin từ những đối tác làm ăn, bên cạnh việc kinh doanh thủy sản, nữ đại gia này còn “bơm” khá nhiều vốn vào thị trường bất động sản nên mới ra cơ cực trên.

Ngõ cụt...

Cuối tháng 6/2012, không ít người giật mình khi nhận được thông tin về cái chết của ông N.T.Nh. (SN 1962, ngụ TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Tại hiện trường, thi thể của ông Nh. bị cháy đen phần đầu và có nhiều vết bỏng rộp. Người dân địa phương có nhiều đồn đoán khác nhau bởi ông Nh. là giám đốc doanh nghiệp tư nhân, chủ đầu tư một dự án khu công nghiệp với số vốn gần 100 tỷ đồng. Khu công nghiệp này được khởi công từ năm 2005, dự kiến hoàn thành vào năm 2007. Tuy nhiên, đã gần 7 năm trôi qua, dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thành nhiều hạng mục và có nhiều dấu hiệu sai phạm. Thông tin ban đầu được xác định, do không đủ tài chính thực hiện dự án và thanh toán những khoản nợ lớn, ông Nh. tìm đến cái chết để thoát... nợ.

Nói về sự lụy bại không thể không nhắc tới phi vụ lừa đảo được đánh giá là bài bản nhất trong giới kinh doanh bất động sản. Nhân vật được nhắc đến là Lê Hồng Bàng (35 tuổi), TGĐ công ty Cổ phần sàn bất động sản Việt Nam. Bàng khoe với mọi người có 4 dự án bất động sản ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) do anh ta làm chủ đầu tư. TGĐ Bàng hứa sẽ để dành cho khách hàng các suất đất với giá ưu đãi với điều kiện chi tiền trước qua hình thức vay vốn. Từ tháng 3 đến tháng 7/2009, gần 400 người đã đưa cho Bàng hơn 346 tỷ đồng. Không lâu sau đó, TGĐ Bàng bị phát hiện là kẻ lừa đảo. Nhà chức trách xác định, 4 dự án trên là do Bàng câu kết với Hoàng Văn Cường (giám đốc công ty Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh (giám đốc công ty Hoàng Hà) “vẽ ra”. Trung tuần tháng 11/2012, với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bàng bị phạt tù chung thân. Hai đồng phạm Cường và Linh đã bỏ trốn.

Số liệu từ các hiệp hội BĐS cho biết, tổng vay nợ của các doanh nghiệp BĐS đang ở mức 200.000 tỷ đồng (nợ xấu khoảng hơn 8.000 tỷ đồng). Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy lượng tiền mặt của đa số các doanh nghiệp đang ở tình trạng cạn kiệt.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin