Trong tháng 5-2008, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương nhập toàn bộ dân số và diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào Hà Nội. Vậy người dân ở đây đang bàn luận ra sao, mong ước điều gì?
2,57 triệu chờ thành người Hà Nội
Rất nhiều người dân ở Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đang trong tâm trạng hồ hởi, hồi hộp đợi từng ngày được nhập về Hà Nội. Trong quán nước, ngoài đình làng, trên đồng lúa… người ta râm ran kể chuyện, tính toán rằng nếu về Hà Nội thì người dân sẽ được gì, mất gì… và hầu như ai cũng mừng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ngoài 50 tuổi, ở xóm Lũng Vân, xã An Khánh (Hoài Đức), bảo: “Nếu về Hà Nội, chúng tôi sẽ có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất là đất đai sẽ lên giá. Thứ hai là nhiều người sẽ không còn phải mất công “chạy” hộ khẩu về Hà Nội vẫn nghiễm nhiên được trở thành dân Hà Nội. Thứ ba, về Hà Nội, khả năng thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ mạnh hơn nhiều so với Hà Tây hiện nay. Các dự án sẽ mọc lên, việc làm cho người dân sẽ được cải thiện, thu nhập sẽ cao hơn. Nếu cứ giữ nguyên địa giới hành chính giữa Hà Nội và Hà Tây thì sẽ tạo ra khoảng cách địa lý, dẫn đến không thống nhất, làm khó cho cả Hà Tây và Hà Nội. Nhờ đô thị hóa, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống dân sinh ở vùng nông thôn Hà Tây sẽ đi lên rõ rệt”.
Anh Trần Xuân Long, 40 tuổi, ở thôn La Tinh, xã Đông La (Hoài Đức-Hà Tây) kể rằng, từ nhà anh sang địa giới hành chính của Hà Nội chỉ có 2-3km. Thế nhưng, nhiều năm qua, lúc nào anh cũng đau đáu chuyện làm sao để nhập được hộ khẩu vào Hà Nội.
Bởi chuyện hộ khẩu có liên quan đến nhiều thứ, chẳng hạn như tìm nơi học hành của con em, nếu có hộ khẩu Hà Nội thì sẽ không phải học “trái tuyến” (mức đóng góp thường gấp 1,5-2 lần trong tuyến).
Rồi chuyện đăng ký biển số xe, mang biển Hà Nội, xe bán luôn có giá hơn. Vả lại, có bìa hộ khẩu Hà Nội, hàng ngàn thanh niên sẽ xin việc dễ dàng hơn. Bởi từ trước đến nay là luôn ưu tiên hộ khẩu Hà Nội.
Ngoài ra, cái bìa hộ khẩu Hà Nội còn liên quan đến nhiều thứ khác, chẳng hạn như làm thủ tục vay vốn ngân hàng, phải có hộ khẩu Hà Nội mới được chấp thuận giải ngân… Bây giờ, những rào cản đó sẽ không còn nữa. “Chỉ cần ngủ qua một đêm là bỗng dưng trở thành người Hà Nội”, anh Long hồ hởi nói.
Cán bộ lo đi xa, ăn “cơm bụi”
Trong khi hàng triệu người dân hoan hỉ, chờ đợi tin mừng thì nhiều cán bộ ở Hà Tây lại tỏ ra “tâm tư” trước ngày về Hà Nội.
Hà Tây có 22 sở, cơ quan, ban ngành hiện đang thực hiện quyết định sáp nhập để giảm xuống còn 17 sở, cơ quan, ban ngành.
Hỏi về chuyện nếu sáp nhập vào Hà Nội, hàng trăm cán bộ “cấp tỉnh” sẽ bố trí như thế nào, ông Kiều Đăng Dịu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tây, ngại ngùng bảo: “Cho đến thời điểm này, ngay đến bản thân tôi sẽ đi đâu về đâu, tôi cũng còn chưa được biết. Nhưng nếu tổ chức đã sắp xếp, bố trí thì chúng tôi đành phải tuân thủ. Tất nhiên là anh chị em cán bộ chúng tôi cũng có nhiều điều lo ngại”.Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: