Trường hợp vi phạm, quá hạn dứt khoát phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho thành phố.
Sau nhiều lần chỉ đạo, chiều 21/3, lãnh đạo TP. Hà Nội đã họp bàn với Bộ TN-MT tìm giải pháp xử lý, thu hồi các dự án bị bỏ hoang.
Tình trạng các Tổng công ty "ôm" đất dự án không triển khai gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị nhiều năm nay. Ảnh: TPO
|
Phía Hà Nội cho biết, đã nhiều lần mời lãnh đạo các Tổng Công ty được cấp đất ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bỏ hoang lên gặp gỡ, đối thoại, song tới nay dù quá hạn vẫn không thấy dự án có tiến triển nhưng quá hạn cam kết
Do đó, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất này để tránh lãnh phí.
Đồng tình với đề xuất của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để thanh tra, kiểm tra các dự án đã được giao đất.
"Trường hợp vi phạm, quá hạn thì dứt khoát phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho thành phố", Bộ trưởng Hà kiên quyết.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện.
Có 23 doanh nghiệp bị rà soát nằm trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy.
Kết quả rà soát cho thấy, hiện mới có 1 lô đất đã thực hiện xây dựng trụ sở đúng quy hoạch được duyệt là trụ sở Tổng cục Hải Quan (lô 21 - E3). Có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng Cty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.
Có 9 đơn vị cam kết đầy đủ các yêu cầu của thành phố và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018 – 2022.
8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án, nhưng thiếu cam kết, hoặc không có báo cáo tài chính; Hai đơn vị khác không thực hiện báo cáo.
Trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng rất hoan nghênh quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng khi thực hiện rà soát, thu hồi Hà Nội cần xác định rõ nguyên nhân, phân loại từng trường hợp để có hướng xử lý thích hợp.
Ông lấy ví dụ, có trường hợp là do đầu tư không gặp thời, chủ đầu tư không vay được vốn, cũng có thể do thị trường biến động, dự án không còn thích hợp triển khai, cũng có trường hợp là do ôm đất chờ thời cơ kiếm lợi... Vì vậy, thành phố phải đánh giá thận trọng.
"Hoan nghênh và ủng hộ chủ trương của Thành phố nhưng chỉ sợ cách giải quyết không công bằng, với dự án này thì ráo riết, dự án khác lại qua loa, đại khái, cho tồn tại..., từ đó dễ xảy ra chuyện chạy chọt", ông Liêm nói.
Ngoài ra, TS Liêm còn lưu tâm tới câu chuyện hậu thu hồi trong quá trình xử lý các dự án.
Ông dẫn ví dụ một dự án nằm ở khu đất vàng, giữa trung tâm Thủ đô đã bị chậm triển khai nhiều năm và chủ đầu tư cứ quây tôn để đó.
"Ban đầu chủ đầu tư định xây trung tâm thương mại và căn hộ cao tầng nhưng có thể vì không phù hợp quy hoạch, xây cao quá thì không được phép, mà thấp thì không muốn và bị lỗ, nên tốt nhất là họ cứ ôm đất để đấy.
Mỗi dự án có một hoàn cảnh, nhưng giả sử bây giờ Thành phố thu hồi dự án ở trung tâm Thủ đô nói trên, vậy sau thu hồi sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, đắp chiếu hay thành sân vận động?".
TS Liêm cho biết, giải quyết vấn đề hậu thu hồi các dự án ôm đất rất khó. Đất đó Thành phố phải đấu giá hay giải quyết thế nào, để làm gì... tất cả đều phải tính toán kỹ càng. Đặc biệt, khi thu hồi dự án, Hà Nội phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? lấy tiền ở đâu?...
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: