Thời gian gần đây có nhiều tranh luận xung quanh câu chuyện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất bao nhiêu là đủ trong thời gian chờ xây dựng sân bay Long Thành.
Một góc sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Anh
|
Hiện có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng cần giới hạn công suất sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu hành khách/năm để xây dựng sân bay Long Thành, theo ý kiến của Công ty tư vấn ADPi do Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải thuê. Luồng ý kiến kiến thứ hai do nhóm nghiên cứu của các chuyên gia TPHCM cho rằng không nên giới hạn công suất vì đến năm 2025, Tân Sơn Nhất sẽ vượt con số 50 triệu lượt khách/năm, việc giới hạn sẽ cản trở sự phát triển của ngành hàng không.
Về cơ bản, cả ADPi và các chuyên gia đều đồng tình để nâng công suất Tân Sơn Nhất phải xây dựng thêm nhà ga, mở rộng sân đỗ... Có thể thấy phương án của Công ty tư vấn ADPi Engineering (Pháp) – đơn vị được Bộ GTVT thuê tư vấn có ưu điểm là chi phí đầu tư ít tốn kém, không phải giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án ADPi đưa ra là giới hạn công suất khai thác sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng không.
Còn phương án của nhóm chuyên gia TPHCM có ưu điểm là không giới hạn công suất khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển đang tăng nhanh. Thế nhưng, nhược điểm của phương án này là chi phí đầu tư tốn kém hơn so với phương án ADPi đưa ra và phải giải phóng mặt bằng ở phía Bắc.
Hiện chưa rõ Chính phủ sẽ chọn phương án nào vì Bộ GTVT đang hoàn chỉnh báo cáo để trình Chính phủ trong tháng này.
Song, có thể thấy vấn đề trước mắt Chính phủ có thể quyết ngay là cho xây dựng nhà ga T3 ở phía đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình để đáp ứng nhu cầu đến năm 2020. Khu vực này hiện đã có sẵn đất, một số hãng hàng không cũng bày tỏ muốn được đầu tư nhà ga này. Nếu ngân sách nhà nước không đủ thì có thể để doanh nghiệp làm, sau đó cho hoàn vốn bằng việc khai thác nhà ga.
Sau năm 2020 căn cứ vào tiến độ thực tế của sân bay Long Thành để ra quyết sách đầu tư phù hợp vì đến năm 2020 một số vấn đề về vốn, phần giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành sẽ bước vào giai đoạn cuối, khi đó mới biết sân bay có kịp khởi công vào năm 2021 hay không.
Đặt giả thiết sân bay Long Thành không kịp hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 và có thể chậm thêm vài năm nữa thì vẫn phải tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thông thường, phương án dễ thường được làm trước, song không vì thế mà loại trừ các phương án khó như mở rộng sân bay về phía Bắc (phía sân golf). Ngay từ lúc này Bộ GTVT phải tính tới nhiều phương án khác nhau dựa trên ý kiến của đơn vị tư vấn và ý kiến phản biện của nhà khoa học để không bị động khi Tân Sơn Nhất quá tải mà sân bay Long Thành chưa đi đến đâu.
Và vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư phải vừa đủ để phục vụ sự phát triển ở Tân Sơn Nhất vừa đảm bảo không bị lãng phí khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Cũng cần lưu ý rằng, việc mở rộng Tân Sơn Nhất, không chỉ dừng lại ở mức cải thiện tình hình quá tải mà phải đặt trong tầm nhìn dài hạn và đặt trong quy hoạch tổng thể sự phát triển các sân bay trong vùng như sân bay Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương… Nếu không đặt trong quy hoạch chung, sau khi mở rộng xong sẽ phá vỡ quy hoạch và kéo theo nhiều hệ lụy cho các sân bay khác.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: