Các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần xây dựng nhà ga T3 để đáp ứng nhu cầu phát triển, sau đó căn cứ trên tiến độ thực hiện sân bay Long Thành để có sự đầu tư phù hợp và cân đối giữa mở rộng Tân Sơn Nhất và làm sân bay Long Thành. Còn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần đặt trong bối cảnh phát triển chung của 2 sân bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải ở nhà ga và sân đỗ máy bay - Ảnh: Anh Quân
|
Sau khi phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT và nhóm chuyên gia TPHCM được đưa ra thảo luận, có thể thấy hai phương án của hai bên có sự khác nhau khá lớn.
Trong khi Bộ Giao thông Vận tải nghiêng về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ra hướng Nam để sân bay đạt công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2025, còn phía Bắc chỉ phục vụ cho vận chuyển hàng hóa. Và không chọn phương án xây thêm đường băng thứ 3 để nâng công suất vì chi phí cao.
Còn nhóm chuyên gia của TPHCM nghiêng về phương án mở rộng sân bay ra hướng Bắc là phù hợp nhất. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM), Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu của TPHCM, cho biết, qua nghiên cứu và tính toán lượng khách nhóm đề xuất mở rộng làm 3 giai đoạn.
Từ năm 2018 đến 2020, xây nhà ga T3 ở phía Nam với công suất 10 triệu khách/năm để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới.
Giai đoạn 2020-2022, xây nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc với công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo và mở rộng nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam để nâng công suất lên 55 triệu hành khách/năm.
Năm 2022- 2025, xây đường băng thứ ba dài 2.400 mét; mở rộng nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc để đạt công suất 35 triệu khách/năm và hoàn thiện hệ thống các công trình ở phía Bắc để nâng tổng công suất của sân bay lên 70 triệu hành khách/năm
Ông Tống cho biết, sau khi thảo luận nhóm nghiên cứu vẫn giữ quan điểm mở rộng sân bay lên phía Bắc và vẫn thực hiện làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, ở giai đoạn có sự chỉnh sửa, trong đó việc xây đường băng thứ 3 đưa vào làm phương án dự phòng.
"Việc xây đường băng thứ 3 hay không thì phải xem tiến độ dự án sân bay Long Thành như thế nào, nếu kịp khai thác vào năm 2025 thì không cần phải làm đường băng thứ 3. Đồng thời, căn cứ vào tiến độ sân bay Long Thành để làm từng giai đoạn, nếu sân bay Long Thành làm đúng tiến độ thì chỉ làm đến giai đoạn 2 mà không làm giai đoạn 3" ông Tống phân tích.
Dựa vào sự tăng trưởng những năm gần đây, nhóm nghiên cứu dự báo đến năm 2025 sân bay Tân Sơn Nhất đạt 70 triệu hành khách/năm nên cần thiết phải mở rộng, tăng năng lực khai thác của sân bay này nếu không sẽ cản trở sự phát triển.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một người đã nhiều năm làm trong ngành hàng không cho rằng, trước mắt cần xây ngay nhà ga T3 ở phía nam với công suất 10 triệu khách/năm. Đối với sân đỗ nên mở rộng đến hết đường lăn đầu phía Tây (phía đường Trường Chinh) để tăng số vị trí đỗ máy bay.
Sau khi đã xây nhà ga T3 và mở rộng phần sân đỗ thêm 21 héc ta, phần mở rộng tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình hình thực hiện sân bay Long Thành. Nếu dự án sân bay Long Thành bị chậm tiến độ đáng kể thì mở rộng tiếp sân bay về phía Bắc như nhóm chuyên gia TPHCM đề xuất.
Tại một hội thảo diễn ra hồi cuối năm 2017, đại diện Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông Vận tải (Tedi) cũng nhấn mạnh rằng, việc nâng cấp mở rộng Tân Sơn Nhất cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo công suất cần thiết, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao. Việc mở rộng cần giải quyết tổng thể các vấn đề từ công tác điều hành bay, đáp ứng hạ tầng về nhà ga, đường lăn cũng như kết nối giao thông.
Phía Tedi đề xuất không nên đầu tư 2 nhà ga tách biệt là T3 và T4 vì không tiết kiệm được mặt bằng xây dựng, việc kết nối giao thông nhà ga cũng khó khăn. Do vậy, Tedi đề xuất chỉ cần xây một nhà ga T3 ở phía đường Hoàng Hoa Thám với công suất 20 triệu hành khách/năm để dùng chung cho cả dân dụng và quân sự. Khi mở nhà ga ở đây sẽ mở rộng đường từ đường Cộng Hòa và nhà ga khi đó có thêm một hướng đi mới để giảm tải cho đường Trường Sơn.
Trước nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia về phương án mở rộng Tân Sơn Nhất, trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 2-2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần đặt trong bối cảnh phát triển chung. Phương án mở rộng phải xác định đầu tư hiệu quả và cân đối giữa việc mở rộng Tân Sơn Nhất về trước mắt và lâu dài khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Ông Đông cũng nhấn mạnh rằng, Bộ GTVT sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản biện để đưa ra phương án phù hợp trong bối cảnh tương quan 2 sân bay. Mục đích cuối cùng là hiệu quả đầu tư vừa đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: