Top

"Hà Nội cần cân nhắc lại một số tuyến đường trên cao"

Cập nhật 02/03/2010 11:45

“Trong số 6 tuyến đường trên cao mà Hà Nội vừa đưa ra, các cơ sở khoa học của việc chọn tuyến như: kết nối với đường mặt đất, tác động tới không gian, ảnh hưởng di tích… chưa thấy nói đến. Có những tuyến cần cân nhắc lại”, KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Phóng viên trao đổi với ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạc Kiến trúc Hà Nội xung quanh danh sách đường trên cao mà Sở GTVT vừa trình lãnh đạo thành phố.

Cần cân nhắc lại chọn tuyến

* Là một người lên tiếng phản biện đầu tiên từ khi Hà Nội đề xuất sẽ xây đường trên cao để chống ùn tắc, nay Hà Nội vừa “gút” danh sách dự kiến các tuyến sẽ xây giai đoạn 2010 – 2015, ông đã biết chưa?

 
KTS Đào Ngọc Nghiêm
Tôi đã nghe qua báo chí các bạn rồi. Theo đó, có 6 tuyến được đề xuất. Trong số đó, có tuyến thì tôi nhất trí, thấy không có vấn đề gì, nhưng có mấy tuyến, tôi nghĩ cần cân nhắc lại.

* Cụ thể là những tuyến nào, và vấn đề gì khiến ông khuyến nghị cần cần nhắc?

Những tuyến từ vành đai 3 trở ra thì không sao. Nhưng tôi ngại mấy tuyến sau: Tuyến số 2 là tuyến ”chọc” vào đường vành đai 2, (đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy). Đây là tuyến có mật độ dân cư, phương tiện rất cao. Nên đáng ngại nhất là kết nối đường trên cao với đường dưới thấp cho dân lên xuống như thế nào. Nếu không khéo, những vị trí kết nối lại chính là những điểm ùn tắc mới.

Một tuyến khác đặc biệt cẩn trọng nữa là tuyến số 1: trên đê Hữu Hồng từ đường Lạc Long Quân đến Yên Phụ.

Nếu làm ngoài đê thì đã tính tới quy hoạch ngoài bãi chưa? Trong khi quy hoạch vùng ngoài đê vẫn còn gây tranh cãi.

Còn làm trong đê thì ảnh hưởng tới di tích lắm, nói ví dụ khu này có đình Yên Phụ, là di tích rất nổi tiếng.

Tuyến Liễu Giai – Hồ Tây mà lên cao, vượt qua cả đường đê Hoàng Hoa Thám sẽ ảnh hưởng cảnh quan nhiều đấy.

Chưa thấy dữ liệu khoa học của việc chọn tuyến

* Vậy còn những tuyến hướng tâm như trục Thanh Xuân (vành đai 3) vào Láng Hạ - Giảng Võ hay tuyến Ga Hà Nội ra đường 70 (qua Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng), dưới góc độ một chuyên gia quy hoạch, ông thấy sao?

Với những tuyến này, về mặt “nguyên lý” thì không có gì ghê gớm lắm!

Có điều phải thể hiện ra trên bản đồ phía nào, các thông số, mặt cắt, nhà dân ở đâu, đường điện ra sao chứ chỉ dừng lại ở mức mô tả như hiện giờ thì chưa thể nói hết được.


Mô hình đường trên cao ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Internet

* Thưa ông, mới đây nhất, một lãnh đạo thành phố cho rằng, điều khó nhất lúc này là đưa ra được các dữ liệu khoa học cho thấy lựa chọn tuyến là đúng và cần thiết. Theo ông, đó là những dữ liệu khoa học nào và ứng với các tuyến đó đã thuyết phục chưa?

Những dữ liệu cần thiết đưa ra để lý giải cho việc chọn lựa tuyến trên cao là: Kết nối tuyến ra làm sao: kết nối trên cao với nhà dân dưới đất. Tác động không gian của tuyến đó; ảnh hưởng đối với hệ thống di tích.

Nói ví dụ: tuyến trên đê, cần cẩn trọng nhiều yếu tố: cảnh quan, di tích. Rồi chuyện đào sâu một mét đất xuống chân đê cũng là chuyện phải tính kỹ.

Những dữ liệu này, khi đưa ra danh sách tuyến nói trên, tôi chưa thấy nhắc đến.

Một yếu tố khác nữa cũng phải tính đến là chi phí. Tôi nghe nói con số dự tính cho 6 tuyến này lên đến trên ba chục ngàn tỷ.

Theo kinh nghiệm thế giới, làm đường trên cao đắt hơn đường trên mặt đất từ 1,5 tới 2 lần. Bây giờ Hà Nội đã mở rộng, quỹ đất cũng đã dồi dào hơn. Cho nên khi làm cần tính kỹ yếu tố giá thành, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)…

6 tuyến đường được Sở GTVT đệ trình UBND TP gồm:

Tuyến số 1: trên đê Hữu Hồng từ đường Lạc Long Quân đến Yên Phụ với quy mô 4 làn xe cơ giới.

Tuyến số 2 trên đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy với quy mô 4 làn xe. Trên tuyến này sẽ có cầu vượt trực thông 3 tầng theo hướng vành đai 2 và một nút giao khác mức ở ngã 4 Nguyễn Tam Trinh.

Tuyến số 3 trên đường vành đai 3 từ Nội Bài – Mai Dịch – Pháp Vân cũng với quy mô 4 làn xe. Tuyến số 4 từ Ga Hà Nội – Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Kim Giang - đường 70, vẫn với quy mô 4 làn xe.

Tuyến số 5 từ vành đai 1 tới vành đai 3, đi qua các trục Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Hồ Tây (4 làn xe).

Tuyến số 6 từ Giảng Võ qua Láng Hạ đến Thanh Xuân (vành đai 3). Xin cám ơn ông!

 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet