Kinh tế phục hồi cộng với hàng loạt những kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản đang khiến lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng được coi là đầu kéo của cả nền kinh tế.
Khi nhìn nhận sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010, ông Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương phân tích: "Cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã tiếp thêm lợi thế cho các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng ngay từ đầu năm 2010”.
Tận dụng thời cơ
Vào năm ngoái, gói kích cầu với trọng tâm là xây dựng cơ bản cùng với mặt bằng lãi suất thấp đã là điều kiện tốt cho thị trường xây dựng sôi động trở lại. Ngay từ đầu năm 2009, trong khi các ngành, lĩnh vực khác gặp khó khăn với các kế hoạch phát triển, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đã tạo nên sức bật mạnh, đẩy cả nhóm ngành công nghiệp - xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Bước sang năm 2010, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, cộng với các chính sách ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là điều kiện tốt để ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tiếp tục sôi động. Ngay trong tháng đầu năm nay, hàng loạt các dự án mới được khởi công.
Chỉ riêng khu vực TPHCM, hầu hết các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối TPHCM với các cảng biển và các vùng kinh tế lân cận đã được khởi công. Các dự án bất động sản mới được ra mắt vào tháng 1 cũng khá đều đặn ở các thành phố, đô thị lớn.
Theo nhận định của các chủ đầu tư bất động sản, mặc dù còn nhiều khó khăn về giao dịch, nhưng hiện là thời điểm thích hợp để khởi công các dự án bất động sản. Lý do là dù nguồn cung trên thị trường bất động sản tăng mạnh, nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn khoảng cách xa.
Đặc biệt, việc Bộ Tài chính cho phép nhà đầu tư lựa chọn phương án nộp thuế thu nhập từ kinh doanh bất động sản (2% trên tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng, hoặc 25%/phần lợi nhuận) được xem là yếu tố quan trọng gỡ nút thắt của thị trường trong thời gian qua.
Hơn thế, nhìn vào danh sách các dự án nhà đầu tư tuyên bố sẽ hoàn công trong năm 2010, với hàng loạt các kế hoạch chạy đua tiến độ với Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, cơ hội tăng trưởng mạnh của ngành vật liệu xây dựng và xây dựng rất rõ ràng.
Trong tháng 1/2010, giá trị sản xuất gạch lát ceramic tăng 103,4%, xi măng tăng 91,5%, kính thủy tinh tăng 72,8%, thép tròn các loại các tăng 61,1%... Các mức tăng này đều cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình 28,4% của toàn ngành công nghiệp – xây dựng trong tháng 1/2010.
Lường trước khó khăn
Tuy nhiên, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia lo lắng, đặc trưng của nhóm ngành này là vay nợ nhiều nên xu hướng tăng lãi suất trong thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận các công ty.
Xu hướng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận của các công ty xây dựng và vật liệu xây dựng |
Điều này thể hiện khá rõ qua bình luận mới đây của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) về kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) khi nhắc tới rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh chính của KBC như chính sách tiền tệ thắt chặt, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản thị trường BĐS. “Với nhiều dự án ở miền Bắc cần vốn, KBC có thể phải gọi thêm nhiều nguồn vốn bên ngoài vào trong thời gian tới.
Hoạt động chính của KBC cũng lệ thuộc nhiều vào dòng FDI. Xét kinh tế toàn cầu và ở các nước phát triển, dòng FDI vào Việt Nam sẽ mất khoảng thời gian nữa để quay lại thời điểm cao trào, và điều này lại có thể gây ra khó khăn cho hoạt động chính của KBC”, SSI bình luận.
Như vậy, những rủi ro của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể cũng sẽ là những thách thức mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng sẽ chịu hệ luỵ.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa nguyên liệu cơ bản đang tăng và nguy cơ cung vượt cầu trong ngành xi măng và thép cũng là một rủi ro tiềm ẩn với nhóm ngành này. Riêng trong ngành xi măng, năm 2010, dự kiến sẽ có thêm 18 dây chuyền xi măng lò quay mới được hoàn thành và đưa vào khai thác, với tổng công suất thiết kế 11,72 triệu tấn/năm.
Như vậy, so với nguồn cầu dự kiến, khoảng 2 triệu tấn xi măng sẽ rơi vào diện dư thừa. Dự kiến, năm 2011 vượt cầu 8 triệu tấn, năm 2012 cung vượt 15 triệu tấn, năm 2015 vượt 14 triệu tấn... Trong khi đó, đường xuất cho loại vật liệu này không phải là giải pháp hữu hiệu.
Tương tự, cơ hội xuất khẩu cho thép xây dựng đang rất hạn chế do tình trạng dư thừa đang xảy ra ở khá nhiều thị truờng. Với tổng công suất các nhà máy sản xuất thép xây dựng tại Việt Nam hiện vào khoảng 6,5 - 7 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 4,1 triệu tấn/năm, bài toán hiệu quả sẽ khá hóc búa với các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2010.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: