Hà Nội sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố sau thời gian bị trì trệ vì nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, vấn đề là cơ chế mới sẽ như thế nào? Hà Nội sẽ phải "hy sinh" điều gì và cuối cùng thì ai được lợi?...
Chính sách cũ: thất bại
Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, trong khi có rất nhiều nhà chung cư đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, nhưng việc cải tạo, xây mới chung cư cũ vẫn dậm chân tại chỗ.
Đơn cử như khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Trong thời gian qua, các sở ngành của Thành phố và công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà số 7 đã cố gắng triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nguyến Công Trứ - dự án thí điểm cải tạo chugn cư cũ toàn khu của Thành phố. Tuy nhiên, dù đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập quy hoạch xây dựng toàn khu, một số hộ dân đã được di chuyển, tạm cư và công trình nhà N3 đã được khởi công xây dựng, nhưng việc triển khai vẫn bị vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, khả năng cân đối kinh phí, bố trí vốn triển khai dự án…
Trong rất nhiều lý do được các chủ đầu tư nêu ra, có một lý do được cho là quan trọng nhất, đó là “không có lãi”, thậm chí “lỗ vốn” nếu việc cải tạo chung cư cũ được thực hiện theo đúng quy chế của Thành phố cũng như những quy định của Chính phủ.
Ngược lại, người dân lại không muốn dời đi do lo ngại không có cơ hội quay về nơi cũ sinh sống, hệ số đền bù thấp.
Trong khi đó, các quy định của Nhà nước đưa ra các chỉ tiêu không làm gia tăng mật độ dân cư, không thay đổi quy hoạch kiến trúc…, theo đó, không cho phép xây các nhà chung cư mới cao quá 9 tầng…
Với việc lợi ích 3 bên: Nhà nước – doanh nghiệp – người dân không cân đối được, các khu chung cư cũ xấu xí và nguy hiểm vẫn tiếp tục không được cải tạo, xây mới.
Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hầu như không thực hiện được trong nhiều năm qua do chưa giải quyết được cân bằng lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp
|
Cơ chế mới: Hy sinh quy hoạch?
Trước những vướng mắc kể trên, mới đây, UBND Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng khu vực chung cư cũ cao từ 21-27 tầng để đảm bảo tái định cư tại chỗ. Và đề xuất này dường như đang được Bộ Xây dựng ủng hộ.
Tiếp đó, ngày 26/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại vừa chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận liên quan căn cứ các quy định của Nhà nước mới ban hành và thực tiễn của Thành phố để tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, thay thế cho Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND Thành phố, trình UBND Thành phố trong tháng 10/2014.
Những động thái này đang làm dấy lên mối lo ngại về việc Hà Nội sẽ không thể thực hiện được mục tiêu tốt đẹp mà Thành phố đề ra, làm tăng nguy cơ quá tải về giao thông, trường học, bệnh viện…; những vấn đề mà Thành phố đã phải “đau đầu” tìm biện pháp giải quyết trong những năm gần đây.
Hoặc giả, Thành phố đang sẵn sàng hy sinh những mục tiêu tốt đẹp để thực hiện được một mục tiêu duy nhất, đó là “xã hội hóa” việc cải tạo chung cư cũ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, cần phải xóa bỏ cơ chế xã hội hóa trong tái thiết chung cư cũ. Theo đó, thay vì đẩy trách nhiệm quá lớn cho doanh nghiệp từ việc lập đề án cải tạo chung cư, phương án đền bù, xây dựng…, thì cần phải coi việc tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước.
“Hiến kế” về vấn đề này, một chuyên gia về quy hoạch Hà Nội cho rằng, Nhà nước, cơ quan quản lý hoàn toàn có cơ chế để doanh nghiệp có lãi, ví dụ như cơ chế đối ứng bù cho doanh nghiệp một dự án khác để kinh doanh…
Trong khi đó, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, trong khi Thành phố sẵn sàng bỏ ra rất, rất nhiều tiền để mở rộng đường, làm cầu vượt, xây tuyến đường sắt trên cao để giải quyết bài toán quá tải… thì ngược lại, việc Hà Nội quyết tâm phải xã hội hóa việc cải tạo chung cư cũ, để rồi lại tiếp tục đau đầu, tốn tiền mở đường, xây trường học... là một điều khó hiểu.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo thì việc sửa đổi. bổ sung cơ chế sẽ được hoàn thiện ngay trong tháng 10 này, và không biết cuối cùng cơ chế đó sẽ khiến Hà Nội phải hy sinh những gì, và ai sẽ được lợi từ cơ chế đó. Đây là điều mà dư luận đang chờ đợi...
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: