Trong một báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã nêu một loạt những bất cập khiến nhà ở xã hội (gồm nhà để bán, cho thuê và cho thuê mua) khó phát triển trên địa bàn.
Nhiều nhà ở xã hội ở trung tâm có tình trạng mua đi bán lại trái quy định
Cụ thể, TP Hà Nội cho rằng, một số dự án ở vị trí đất có giá trị cao, lợi thế thương mại nhưng khi bán, không kiểm soát được tình trạng mua đi bán lại trái quy định, gây bất ổn. Ngoài ra, theo quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được nộp hồ sơ mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, không ít gia đình đã được chính quyền các địa phương cấp xã, phường xác nhận tình trạng nhà ở nhiều lần để nộp cho nhiều dự án.
Trong khi đó, với các dự án nhà ở công nhân, tồn tại lại nằm ở tỷ lệ lấp đầy thấp. Một số dự án đã xây xong nhưng một bộ phận công nhân không về ở vì muốn sống trong khu dân cư liền kề để thuận tiện trong sinh hoạt đi lại, giảm chi phí. Bên cạnh đó, các dự án trước đây chủ yếu phục vụ cho người chưa lập gia đình với phòng tập thể từ 8-24 người nên sau khi họ kết hôn, căn hộ trên không còn phù hợp. Theo UBND TP Hà Nội, các dự án này thu hồi vốn chậm, kéo dài khoảng 10 năm nên phân khúc này sẽ không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư.
Theo đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng hàng loạt các vấn đề về nhà ở xã hội. Cụ thể Bộ Xây dựng hướng dẫn, quy định bổ sung một số nội dung chưa rõ: dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên thực tế có dự án không có hoặc có rất ít đối tượng thuê nhà ở xã hội nên gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thu hồi vốn. “Việc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội đối với các khu nghỉ dưỡng resort, các dự án nhà ở thương mại chỉ có nhà ở thấp tầng khu vực đô thị… do không phù hợp với quy hoạch để xây dựng chung cư nhà ở xã hội”, báo cáo UBND TP cho biết.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đã đưa ra một số kiến nghị về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng nghiên cứu ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên. Nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, ví dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp.
Theo đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đầu tư ưu đãi đặc thù theo mô hình đối tác công – tư (PPP), đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư từ Trung ương và nguồn vốn của thành phố để phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cho phép thành phố chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Nghiên cứu miễn giảm thủ tục cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án nhà ở xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: