Top

Gỡ rối giao thông hai “điểm nóng”

Cập nhật 30/04/2013 06:47

Hai dự án giao thông quan trọng của TPHCM là cầu Sài Gòn 2 và đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đang được đẩy nhanh tiến độ để giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn hiện hữu và cầu Bình Triệu

Những dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM hiện đang lâm vào cảnh bị vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vốn, dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài. Riêng dự án cầu Sài Gòn 2 lại không vướng 2 “cửa ải” trên. Vì vậy, tận dụng tối đa những lợi thế đang có, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng cầu Sài Gòn 2 (trực thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP) đang gấp rút thi công để hoàn thành dự án vào cuối tháng 11-2013.

Cầu Sài Gòn 2 đang được đẩy nhanh tiến độ để đến cuối tháng 11-2013 đưa vào sử dụng. Ảnh: TẤN THẠNH

Vượt tiến độ 2 tháng

Ông Dương Quang Châu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng cầu Sài Gòn 2, cho biết hiện nay, dự án đạt tiến độ 70%. Dự kiến, chủ đầu tư sẽ hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 7-2013, hợp long nhịp cuối cùng vào đầu tháng 9-2013 và hoàn tất toàn bộ cầu Sài Gòn 2 vào cuối tháng 11-2013, sớm hơn tiến độ cam kết 2 tháng.

Theo Sở GTVT, mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt xe qua cầu Sài Gòn hiện hữu, tuy nhiên, cây cầu này chỉ có thể “gánh” được 50% lưu lượng xe trên nên việc đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 sẽ giảm gánh nặng cho cầu Sài Gòn hiện hữu, đồng thời góp phần nâng cao năng lực giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc TP, nhất là khi xa lộ Hà Nội đã được mở rộng hoàn chỉnh.

Cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài 1.450 m, gồm 6 làn xe. Tổng vốn xây dựng khoảng 1.495 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Do không có đất “sạch” để thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng” nên UBND TP sẽ trả chậm cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP toàn bộ vốn đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2 trong vòng 5 năm.

Dự kiến, sau khi cầu Sài Gòn 2 hoàn thành, Sở GTVT sẽ phân luồng giao thông một chiều ở cả cầu Sài Gòn và cầu Sài Gòn 2. Theo đó, cầu Sài Gòn 2 sẽ được sử dụng để đi từ trung tâm TP về quận Thủ Đức và cầu Sài Gòn hiện hữu sẽ được sử dụng để đi từ quận Thủ Đức vào trung tâm TP.

Đưa vào sử dụng trước 5,5 km

Tiến độ tuy không thật sự thuận lợi như dự án cầu Sài Gòn 2 nhưng dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng có những bước tiến đáng khích lệ. Theo báo cáo của Sở GTVT, tiến độ dự án đến nay đạt 65,2%. Hiện nay, 29 đơn vị đang tích cực di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết đến tháng 9-2013 sẽ đưa vào sử dụng đoạn đường từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu (dài khoảng 5,5 km). “Khi đó, lưu lượng xe đi qua cầu Bình Triệu vào đường Đinh Bộ Lĩnh sẽ giảm 40%, tình hình giao thông ở khu vực Bến xe Miền Đông sẽ hạ nhiệt ngay” - ông Cường khẳng định.

Dự kiến, toàn bộ tuyến đường sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, tiến độ này có thể bị lùi lại vì quận Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức vẫn còn vướng 229 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Cụ thể, quận Gò Vấp còn vướng 45 hộ dân ở tổ 51, phường 3 và 116 hộ dân ở ga Gò Vấp. Quận Tân Bình còn vướng 33 hộ dân và quận Thủ Đức còn 35 hộ dân chưa di dời. Vì vậy, UBND TP đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài tại các khu vực trên để dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2014.

Giảm ùn tắc cho các trục đường chính

Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dài 13,6 km, rộng từ 20 đến 60 m, đi qua 4 quận: Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình. Điểm đầu dự án là sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), điểm cuối tại nút giao Linh Xuân (quận Thủ Đức). Tổng vốn đầu tư ban đầu là 340 triệu USD. Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ góp phần cải thiện giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, kéo giảm đáng kể ùn tắc giao thông cho hướng Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đồng thời làm nhiệm vụ kết nối các tuyến đường vành đai của TP.

DiaOcOnline.vn - Theo Người lao động