Top

Gỡ "nút thắt" trong chính sách GPMB

Cập nhật 20/05/2008 13:00

Ngày 19/5, tại hội thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003 được tổ chức ở Hà Nội (do Bộ TN-MT tổ chức), các đại biểu đã mổ xẻ những vấn đề "nóng" liên quan đến chính sách GPMB.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những cản trở đối với sự phát triển của nền kinh tế được xác định là hạ tầng kinh tế yếu kém, trong đó có những khó khăn về GPMB. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương trong lĩnh vực đất đai liên tiếp, diễn biến phức tạp, trong đó tập trung nhiều vào nội dung thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực công cộng mở rộng đường giao thông …

T.S Nguyễn Đình Cung, Viện nguyên cứu kinh tế trung ương đã đề nghị: "Phải thông báo về phương án chi tiết, cụ thể về bồi thường GPMB, tái định cư". T.S Cung đề xuất: "Không hiểu phương án đền bù, tái định cư sẽ được xây dựng như thế nào? Trên bàn giấy, trong phòng kín hay bàn thảo với từng hộ dân bị thu hồi đất. Nếu mà đã bàn trước thì về bản chất, thông báo này cũng không cần thiết vì họ đã biết, đã được thoả thuận và nhất trí. Theo tôi, cách thức xây dựng phương án đền bù, GPMB tái định cư nên làm từ dân, từ dưới lên, chứ không hành chính áp từ trên xuống. Cần bổ sung vào dự thảo để người dân, các bên có liên quan bình luận, góp ý".

Để tháo gỡ các vướng mắc, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần thế Ngọc đề xuất, về quy định này sẽ được bổ sung thêm nội dung: Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế trong tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất.

Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Không nên nhấn mạnh một chiều quyền thu hồi đất của nhà nước mà không tính đến quyền sử dụng đất là một quyền tài sản của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức được pháp luật bảo hộ, bảo vệ. Không nên bỏ quy định về cơ chế tự thoả thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất vì cơ chế này phù hợp với bản chất của QSDĐ là một quyền tài sản của những chủ thể nhất định và do vậy họ có quyền tiến hành thương lượng với những người có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích kinh tế nhằm bảo đảm lợi ích của cả hai bên.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam phân tích: "Vấn đề là hiện nay còn có sự chênh lệch về giá đất trước và sau khi đền bù; chênh lệch giá giữa các dự án phát triển nhà ở, phát triển kinh tế với các dự án có mục đích lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Nếu ta bồi thường theo một giá cho mọi dự án thì có thể giải quyết được căn bản vướng mắc hiện nay. Giá cả đền bù phải bảo đảm lợi ích thoả đáng của cả ba bên: Nhà nước, người bị thu hồi, DN".

Cũng có ý kiến đề xuất, cần áp dụng việc tổ chức bồi thường, GPMB trên quy mô thích hợp theo hình thức dự án. Sở dĩ nhấn mạnh điểm này vì đa phần những thắc mắc và phản ứng của nhân dân đều do thiếu biện pháp đảm bảo đời sống của dân sau khi thu hồi đất và vấn đề tài chính không rõ ràng... Vì vậy, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất trong Luật Đất đai.

Theo Kinh Tế Đô Thị