Nhiều khu đất được thu hồi để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng sau đó cứ “nằm im” bất động, mặc cho người dân khổ sở vì không thể xây dựng, sửa chữa, mua bán… Và, cứ 5-7 năm, chính quyền lại ra một quyết định hay một thông báo, rồi sau đó lại tiếp tục “nằm im”.
Đó là tình trạng của nhiều dự án “treo” tại Hà Nội.
Dự án sau 16 năm vẫn "nằm im"
Khu đất tại số 200 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy có diện tích hơn 3.800m2 do Công ty Hóa chất vật liệu điện và vật tư khoa học quản lý, để hoang hóa, không sử dụng, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm Luật đất đai.
Ngày 15/7/2002, khu đất đã bị thu hồi để thực hiện dự án theo Quyết định số 4904/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thành phố giao toàn bộ diện tích đất thu hồi này cho UBND quận Cầu Giấy lập dự án sử dụng đất vào mục đich xây dựng nhà ở để phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, sau khi thu hồi, mảnh đất này đã “nằm im” trong vòng 6 năm, đến ngày 3/12/2008, UBND Thành phố mới có văn bản số 3673/UBND-GT đồng ý về nguyên tắc và giao Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội điều tra, nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng khu đất với mục đích tạo quỹ nhà ở di dân giải phóng mặt bằng của Công ty và quận Cầu Giấy.
Hơn 3 năm sau Quyết định giao đất này, ngày 21/7/2011, UBND Thành phố bất ngờ có Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định thu hồi đất năm 2002 với lý do UBND quận Cầu Giấy chưa giải phóng mặt bằng và khu nhà ở của các hộ dân trên khu đất đã được Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà ở Hà Nội đã tiếp nhận quản lý từ năm 2007.
Tại Quyết định thu hồi này, Thành phố đã giao công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà ở Hà Nội tiếp tục quản lý để “Chuẩn bị mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng công trình hỗ hơn thương mại và nhà ở tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, nhà ở thương mại.
Nhưng, đến nay, sau 7 năm kể từ Quyết định nói trên và 16 năm kể từ khi bắt đầu có chủ trương, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Do dự án kéo dài quá lâu mà không thực hiện, cuộc sống của người dân ở đây hết sức khó khăn, không được xây dựng, sửa chữa hay giao dịch. Trước thực trạng đó, cử tri đã gửi kiến nghị đến Thành phố, đề nghị được giải quyết cấp sổ đỏ cho các hộ dân cư khu tập thể Vật tư tổ 18 Phường Dịch Vọng, số nhà từ 200 đường Cầu Giấy.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời mới đây, UBND Thành phố cho biết, căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/12/2007, Khu đất hiện chưa đủ điều kiện cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản chỉ đạo UBND phường Dịch Vọng hướng dẫn các hộ dân sử dụng đất thực hiện kê khai, đăng ký để được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thu hồi đất 16 năm vẫn "đang rà soát tìm phương án sử dụng"
Dự án nhà khách UBND Thành phố tại 584 Lạc Long Quân đang được sử dụng sai mục đích - ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
|
Tương tự, dự án nhà khách UBND Thành phố tại 584 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ). Ngày 30/1/2002, UBND thành phố ban hành quyết định số 899/QĐ-UB tạm giao 17.340 m2 đất tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho Nhà khách UBND thành phố để lập phương án bồi thường GPMB và chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, 14.979,5 m2 đất do Công ty xây dựng Hồng Hà quản lý và 2.360,5 m2 do Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây thuê của Nhà nước.
3 năm sau, ngày 28/12/2004, dự án trên mới được hợp lý hóa bằng quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà khách của thành phố.
Suốt trong 16 năm qua, người dân tại khu vực dự án đã gặp nhiều khó khăn do không thể cải tạo, xây dựng hoặc mua bán. Trong khi đó, do dự án không khả thi nên thời gian qua, dự án đã bị đình lại với hiện trạng sân tenis, vài dãy nhà cấp 4, các khu văn phòng cho thuê, bãi trông giữ rửa xe...
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trước câu hỏi của cử tri “đề nghị UBND Thành phố trả lời rõ cho nhân dân biết việc thực hiện dự án nhà khách UBND tại số 584 Lạc Long Quân như thế nào, có làm hay không, bao giờ làm... để nhân dân khu vực này ổn định cuộc sống?” thì UBND Thành phố cũng chỉ trả lời một câu không thể ngắn hơn: “Hiện nay, UBND Thành phố đang giao cho các Sở, ngành chức năng rà soát, đề xuất phương án sử dụng khu đất tại 584 Lạc Long Quân” đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định.”
Hơn 20 năm vẫn "đang giải phóng mặt bằng"
Một trường hợp khác, đó là tại khu dân cư số 13, tổ 56 phường Phú Thượng.
Ngày 18/10/1995, UBND huyện Từ Liêm có Quyết định thu hồi 1.545m2 đất do Công ty xây dựng công trình giao thông 118 đã sử dụng chưa hợp pháp tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là khu A, tổ 56 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.
Gần 13 năm sau, vào ngày 2/7/2008, UBND Thành phố tiếp tục ra quyết định số 2538/QĐ-UBND thu hồi 11.276m2 đất tại cụm 9, khu dân cư số 13, tổ 56 phường Phú Thượng giao Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Giao thông Vận tải để đầu tư xây dựng khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng.
Gần 8 năm sau, ngày 28/1/2016, UBND Thành phố mới ra văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 2/7/2008 nói trên và cho đến nay, trước yêu cầu của cử tri, UBND Thành phố mới trả lời cho biết, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ vẫn “đang làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt”. Cho đến nay, sau 10 năm, mới giải phóng mặt bằng được 8.000m2, còn hơn 3.000m2 chưa giải phóng mặt bằng xong.
Dự án Trung tâm thương mại tại đầu ngõ 104 Nguyễn An Ninh cũng là một trong những dự án đã bỏ hoang hóa từ hơn 10 năm qua.
Theo đó, ngày 22/2/2005, UBND Thành phố có Quyết định 946 cho Công ty Bách hóa Hà Nội thuê 442m2 đất tại phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai để xây dựng Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Trương Định.
Đến ngày 9/12/2006, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ với chiều cao 7 tầng. 3 năm sau, khi đang tiến hành thi công công trình được 4 tầng, công trình bị đình chỉ vì xay dựng sai vị trí thêm 1 tầng hầm.
6 năm sau khi bị đình chỉ, Tháng 11/2015, trước ý kiến của cử tri về việc công trình để lãng phí quá lâu, làm mất mỹ quan, lãng phí tài nguyên đất đai, UBND quận Hoàng Mai mới có văn bản đề nghị Công ty tiêp tục thực hiện dự án. Gần 1 năm sau, vào tháng 9/2016, UBND quận Hoàng Mai một lần nữa lại có công văn đôn đốc và ra “tối hậu thư”, đến ngày 31/12/2017 nếu công ty không tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ kiến nghị UBND Thành phố thu hồi.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Không đến hàng chục năm, nhưng Dự án nhà hát Thăng Long nằm trong quy hoạch dự án Tây Hồ Tây cũng đã vài năm nhưng đến nay chưa thực hiện có liên quan đến khu dân cư số 1 phường Xuân La. Cử tri cũng phải lên tiếng đề nghị “UBND Thành phố có triển khai hay không và nếu có thì bao giờ triển khai để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống?”.
Và câu trả lời cho cử tri cũng giống hệt câu trả lời đối với dự án Nhà khách UBND Thành phố, chỉ khác mỗi cái tên dự án, đó là: “Hiện nay, UBND Thành phố đang giao cho các Sở, ngành chức năng rà soát, đề xuất phương án sử dụng khu đô thị Tây Hồ Tây đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định”.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: