Lợi nhuận của Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có khoảng 50% đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, phần còn lại đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia trong hợp tác kinh doanh. Hiện “nồi cơm” bên ngoài chủ yếu đến từ In số 4, In số 7, Fahasa, khách sạn Liberty Central Saigon City Point, và từ Hakuhodo – SAC.
Khách sạn Liberty Central Saigon City Point được xây dựng trên phần đất giao cho Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn quản lý.
|
Được giao quản lý và khai thác nhiều khu đất vàng
Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - Công ty TNHH MTV (Tổng công ty Văn hóa) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập vào tháng 12/2003, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh giấy in, mực in, vật tư thiết bị ngành in, sửa chữa máy móc; buôn bán sách, báo, tạp chí; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm băng từ…
Ngoài ra, Tổng công ty Văn hóa cũng đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; đầu tư tài chính; khai thác quảng cáo….
Tổng công ty Văn hóa có 2 công ty con sở hữu 100% vốn gồm Công ty TNHH MTV Phim Nguyễn Đình Chiểu, Công ty TNHH MTV Vật phẩm Văn hóa Sài Gòn; và 3 công ty con nắm giữ 51% vốn điều lệ gồm: CTCP In số 4, CTCP In số 7 và CTCP Truyền thông Điện Ảnh Sài Gòn.
Tổng công ty Văn hóa là doanh nghiệp nằm trong Top dẫn đầu về số lượng nhà, đất được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh giao quản lý, khai thác và phần lớn nằm ở các vị trí đắc địa của TP. Hồ Chí Minh như: khu đất 28 Lê Lợi, Q.1; 40 Ngô Đức Kế, Q.1; 59 – 61 Pasteur, Q.1; 62 Trần Quang Khải, Q.1; 387- 389 Hai Bà Trưng, Q.1; 369 Lê Văn Sỹ, Q.3 (Rạp Minh Châu cũ); 30 – 32 Yersin (đang xây dựng Cao ốc Văn hóa đa năng), 1557 đường 3/2; 63 – 65 Châu Văn Liêm (Rạp Đại Quang cũ)….
Khách sạn Liberty Central Saigon City Point là sản phẩm hợp tác với CTCP Sài Gòn – Quê Hương, theo hợp đồng hợp tác ký vào tháng 9/2013
|
Trong đó, khu đất 59 - 61 Pasteur có diện tích quanh 1.000m2 đã được Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn đem hợp tác kinh doanh với CTCP Sài Gòn - Quê Hương (đơn vị mà Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist nắm giữ 29,5% vốn) để xây dựng khách sạn Liberty Central Saigon City Point (đã đi vào hoạt động). Tổng Công ty Văn hóa ghi nhận đã đầu tư vào công trình này hơn 350 tỷ đồng.
Khu đất 387- 389 Hai Bà Trưng, Q.1 được Tổng Công ty Văn hóa đầu tư thành cao ốc và hợp tác khai thác với CTCP Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh – Fahasa (đơn vị Tổng Công ty Văn hóa có nắm giữ cổ phần).
Cơ sở 387- 389 Hai Bà Trưng, Q.1 hợp tác với Fahasa. Năm 2017, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có gần 4 tỷ đồng cổ tức từ Fahasa
|
Đối với khu đất 369 Lê Văn Sỹ, Q.3, diện tích khoảng 1.000m2, Tổng Công ty Văn hóa đã hợp tác cùng Tập đoàn C.T Group thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Văn hóa Minh Châu làm chủ đầu tư dự án C.T Plaza Minh Châu. Trong hợp tác này, Tổng công ty Văn hóa góp vốn vào công liên kết với hơn 4,6 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Văn hóa Minh Châu.
Dự án C.T Plaza Minh Châu hợp tác với C.T Group đang "dậm chân" tại chỗ
|
Cũng lưu ý rằng, CTCP C.T Phương Nam, một thành viên khác của C. T Group đang nợ quá hạn với Văn phòng Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn lên đến 22,8 tỷ đồng. Tổng công ty Văn hóa đã trích lập dự phòng 2 tỷ đồng từ năm 2017 cho khoản nợ xấu nói trên.
Đối với khu đất 62 Trần Quang Khải, Tổng Công ty Văn hóa đã hợp tác với Tập đoàn truyền thông IMC để xây dựng Trung tâm Văn hóa Đa năng.
Công trình 62 Trần Quang Khải hợp tác với IMC.
|
Thuyết minh báo cáo tài chính của Tổng công ty Văn hóa cho biết, tại ngày 31/12/2017, doanh nghiệp này đang có khoản phải trả dài hạn khác đối với CTCP Sài Gòn Quê Hương là gần 350 tỷ đồng; với CTCP Quốc tế Truyền thông IMC là hơn 54 tỷ đồng.
Khoảng 50% lợi nhuận đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi bán các khoản đầu tư
Lợi thế về đất đai dường như đã không giúp cho Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn thịnh vượng. Báo cáo tài chính 4 năm gần nhất cho thấy, ROA cao nhất gần 4%, ROE trong 4 năm qua chỉ khoảng 6%-7%. Khoảng 50% lợi nhuận đến từ cổ tức được chia, lãi tiền gửi và lãi bán các khoản đầu tư.
Lợi nhuận của Tổng công ty Văn hóa khá ổn định qua các năm. Năm 2016, lợi nhuận tăng thêm gần 20% nhờ có sự đóng góp của việc hợp tác khai khu đất 59 - 61 Pasteur và các hoạt động khai thác quảng cáo.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính công ty mẹ
|
Đến năm 2017, khoảng hơn 50% lợi nhuận đến từ lĩnh vực không phải kinh doanh cốt lõi của Tổng công ty Văn hóa có sự góp mặt của cổ tức được chia từ CTCP In số 7, CTCP In số 4, Fahasha (hợp tác kinh doanh ở khu đất 387- 389 Hai Bà Trưng, Q.1 và cổ tức), Công ty TNHH Hakuhodo – SAC (một công ty chuyên về quảng cáo)…
Báo cáo về công tác thanh, kiểm tra việc quản lý sử dụng nhà, đất công và kết quả xử lý vi phạm của các đơn vị sự nghiệp, Tổng công ty, công ty Nhà nước trong niên độ 2016 – 2017 của Thanh tra TP.Hồ Chí Minh trong quý II/2018 cho biết, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có 19 mặt bằng sai phạm trong tổng số 103 cơ sở nhà, đất có sai phạm trên toàn thành phố, xếp thứ 2 về số lượng mặt bằng có sai phạm, chỉ sau Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLive
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: