Cần sớm đánh giá và chấn chỉnh lại là nhận định của ông ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoRea) khi trao đổi với DĐDN về những bất cập xung quanh chuyện quản lý hoạt động của các sàn giao dịch BĐS hiện nay.
Ông Châu cũng đề nghị Bộ Xây dựng nên tổ chức một hội nghị đánh giá hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, tăng cường các biện pháp chấn chỉnh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của sàn.
Luật kinh doanh bất động sản (BĐS), Nghị định 153/NĐ - CP, Thông tư 13 của Bộ xây dựng và một số văn bản khác đã có những quy định cụ thể về việc các giao dịch BĐS phải qua sàn, phạt nặng có thể đến 50 - 60 triệu đồng các giao dịch BĐS thuộc diện phải qua sàn nhưng không qua sàn.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam nói: Sàn giao dịch BĐS giúp DN có nơi bày bán sản phẩm, khách hàng có nơi minh bạch tin cậy để mua sản phẩm, tránh các rủi ro như không làm được giấy tờ chủ quyền. Nhiều DN đều rất đồng tình với quy định này. Ông Nguyễn Phước Đức - Phó TGĐ Cty Địa ốc Đất Lành nhận xét: "Giao dịch mua bán BĐS qua sàn sẽ tránh rủi ro cho người mua người bán, còn nhà nước thì quản lý được lượng mua bán và giá cả, thu được các loại thuế...”.
Nhiều bất ổn
Hiện, cả nước có khoảng 142 sàn giao dịch BĐS đã đăng ký hoạt động tại trang web của Bộ XD (www.moc.gov.vn). Nhưng thực tế các sàn hoạt động chưa mạnh, chưa phát huy được vai trò của mình, có khoảng 50% giao dịch BĐS hiện vẫn giao dịch ngoài sàn.
Theo ông Đức: khách hàng chưa mặn mà với việc mua bán BĐS qua sàn. "Vì thế, dù đã có quy định buộc giao dịch qua sàn nhưng các DN có BĐS muốn bán thường quảng cáo trên báo chí, một phần họ cũng bán qua cò. Còn người có BĐS lẻ muốn bán thì thường thông qua cò, chấp nhận cho cò ăn hoa hồng hoặc tự rao bán trên mạng, trên báo. Người bán ngại đến sàn có thể vì không muốn mất phí phải nộp cho sàn (khoảng 1- 2% tùy sàn), trong khi thông qua quảng cáo trên báo thì không mất phí này, một phần vì tài sản của họ chưa đủ các giấy tờ theo quy định... Việc tính giá bán hiện nay theo quy định của nhà nước thường thấp hơn giá thị trường, trong khi giá BĐS thực tế là “giá trị sinh lợi của mảnh đất” nhiều hơn giá trị xây lắp nhưng nhà nước không thể tính chi tiết và sát giá này làm cho người bán thiệt thòi phải tìm cách lách, còn nhà nước thì thất thu thuế" - ông Đức nói.
Trao đổi với DĐDN, nhiều người mua BĐS phản ánh: Họ đến sàn giao dịch để tìm mua sản phẩm thì thường xuyên bị làm khó... nhưng khi chấp nhận trả chênh lệch cho “cò” thì lại dễ dàng mua được sản phẩm. Ông Lê Huỳnh Cương Nghị - TGĐ Cty phát triển căn hộ Nam Long ADC nói: Nói chung là các sàn lớn đều làm ăn đàng hoàng, nhưng một số sàn nhỏ quản lý vẫn lỏng lẻo. Tính đến giữa tháng 3/2009 cả nước đã cấp 1.208 chứng chỉ môi giới BĐS và 439 chứng chỉ định giá BĐS, nhưng vẫn có chuyện các nhân viên này bắt tay với cò và kiếm sống bằng hoa hồng, nhất là đối với những sản phẩm đang hút khách.
Tháo gỡ cách nào?
Ông Lê Hoàng Châu trao đổi: Hiện là các sàn giao dịch BĐS còn nhiều khó khăn, nhà nước phải có đánh giá những vướng mắc để tháo gỡ.
Thứ nhất, theo quy định, tài sản BĐS giao dịch qua sàn phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, minh bạch. nhưng thực tế, việc cấp giấy tờ chủ quyền nhà đất vẫn chưa hoàn thành làm cho những chủ tài sản BĐS dù tài sản hợp pháp nhưng vì chưa đủ giấy tờ cần thiết nên vẫn buộc phải giao dịch ngoài sàn.
Thứ 2, có hai loại BĐS tuy chưa đủ hồ sơ pháp lý nhưng chắc chắn sẽ có đủ các loại hồ sơ này, lẽ ra có thể giao dịch đàng hoàng qua sàn nhưng hiện nay là không thể. Loại thứ nhất là các DA đang từng bước hình thành với đầy đủ hồ sơ hợp pháp... loại thứ hai là các DA chắc chắn thực hiện nhưng chưa triển khai. Nhà nước nên tạo hành lang pháp lý cho hai loại BĐS này giao dịch qua sàn, giúp thị trường có nhiều sản phẩm hợp pháp, giúp cho các nhà đầu tư có thêm vốn tiếp tục triển khai DA bởi họ đã chấp nhận đầu tư rủi ro.
Nhà nước phải tăng cường hoạt động hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động cho sàn. Hiện đang có hai loại sàn giao dịch BĐS là loại sàn chuyên nghiệp, bán tất cả các sản phẩm của mọi người bán, và loại sàn của chính chủ đầu tư chỉ bán sản phẩm của Cty mình, nhằm tránh phí giao dịch qua sàn khác. Cả hai loại sàn này có chung nhược điểm là đều tồn tại “cò”, thiếu các thiết bị kết nối thị trường. Riêng loại sàn của nhà đầu tư còn mắc nhược điểm là ca ngợi tâng bốc sản phẩm của mình, thiếu khách quan. Nên phát triển loại sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp, khách quan theo đúng giá thị trường, trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ thông tin, có sự liên thông thống nhất giá với các sàn khác.
Thiết nghĩ, quy định mua bán BĐS qua sàn là việc rất đúng đắn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của nhà nước cần kịp thời chỉnh sửa, chấn chỉnh các quy định, hoạt động của sàn giao dịch BĐS, lành mạnh hóa thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: