Top

Giao dịch BĐS: Đình trệ mua bán, “ấm” cho thuê

Cập nhật 28/11/2008 14:40

“Giao dịch mua bán gần như đình trệ, các vụ giao dịch thành công trên sàn hiện nay chủ yếu là thuê - cho thuê, chuyển nhượng dự án” - ông Phạm Thành Hưng, TGĐ Công ty cổ phần thẩm định giá Thế kỷ, Phó TGĐ Century Group đánh giá.

Bất chấp giá nhà đất đã giảm và quy luật sôi động dịp cuối năm, giao dịch trên thị trường BĐS thời điểm hiện tại vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm.

Dù lãi suất cho vay có xu hướng hạ, song cầu tín dụng thực tế cho vay mua bất động sản không được nhiều ngân hàng mặn mà. Thiếu vốn nên cả nhà đầu tư thứ cấp và ngườc có nhu cầu thực cũng khó mua bán. Các tin niêm yết trên sàn giao dịch phần lớn là cho thuê văn phòng tiêu chuẩn hay cho thuê căn hộ cao cấp The Manor, Vimeco, M3M4.

Với bốn điểm giao dịch tại các vị trí khá đắc địa như Nguyễn Chí Thanh, Mỹ Đình, Lạc Long Quân, Trần Khát Chân, nhưng “số lượng niêm yết trên các sàn thuộc Century Group có thể lên tới trên nghìn dự án, nhưng giao dịch thành công mỗi tháng cũng chỉ được khoảng từ 100 đến 300 dự án” - ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, những giao dịch có giá trị lớn không thuộc về giao dịch mua bán mà chủ yếu là các dự án chuyển nhượng, sang tên. Tính từ giữa năm tới nay vẫn có những vụ chuyển nhượng các dự án lớn trị giá trên vài triệu đô, bởi khá nhiều chủ đầu tư vì thiếu vốn buộc phải “bán lúa non”, sang tên dự án cho nhà thầu có tiềm lực tài chính hơn.

Một điểm mới trên thị trường là căn hộ chung cư cao cấp vốn một thời cháy hàng đã không còn nhiều sức hấp dẫn với các nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu mua thực sự. Trong khi đó, giao dịch sơ cấp (chủ dự án bán trực tiếp căn hộ) khá lặng lẽ, chỉ tập trung tại một số dự án mới.

Sở dĩ có điều này vì giá phân khúc chung cư cao cấp khá đắt đỏ so với túi tiền đã bị giảm sút phần nào bởi khó khăn kinh tế của những người có nhu cầu mua. Hơn nữa, theo tiết lộ của một người môi giới nhà đất chuyên nghiệp, trên thị trường Hà Nội phân khúc chung cư cao cấp gần như không còn nguồn hàng sơ cấp, nếu muốn mua khách hàng đều phải mua trao tay với giá trị tăng lên nhiều lần, dẫn đến cảnh nhà đầu tư thứ cấp vì lỗ không bán, người có nhu cầu thực không đủ tài chính mua.

Cảnh “chợ chiều” sẽ còn kéo dài

Theo đánh giá của một chuyên gia BĐS, con số 1-300 giao dịch thành công trong tháng như của sàn Century là mức “mơ ước” của nhiều sàn giao dịch trong thời điểm hiện tại.

Thực tế cho thấy, chỉ những sàn lớn, có uy tín và thương hiệu với đội ngũ khách hàng quen lâu năm mới “cầm cự” được.

Phó giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn tại Hà Nội tiết lộ: Từ giữa tháng 10 vừa qua lượng giao dịch chỉ cầm chừng, có những văn phòng giao dịch của công ty cả 2, 3 tuần liền không hề có giao dịch thành công. Khách hàng chủ yếu đến tham khảo giá rồi… bỏ đi.

Đa số những điểm giao dịch nhà đất “cò con” sinh sôi trong các cơn sốt đất đều đã đóng cửa tới 30-40% hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Anh Hùng, một “cò” đất trên đường Lạc Long Quân cho hay, thời điểm đất ven hồ Tây sốt giá hồi giữa năm phải “đuổi” không hết khách. Nhưng 1, 2 tháng gần đây gần như không có ai đến hỏi.

“Giá nhà đất sẽ tiếp tục xuống trong vài tháng nữa, nhưng không vì thế mà giao dịch trên thị trường có thể ấm lên, cảnh “chợ chiều” của thị trường sẽ còn kéo dài” – ông Hưng nhận định. Bởi theo chuyên gia này thị trường BĐS được quyết định bởi phần lớn các nhà đầu tư chứ không phải người tiêu dùng.

Trong khi đó, dự báo cho thấy bức tranh kinh tế không có nhiều lạc quan trong năm 2009, và đặc biệt yếu tố “đòn bẩy” kích cầu thị trường BĐS là tín dụng ngân hàng năm tới hứa hẹn cũng sẽ không quá “mở” do các ngân hàng đều lo ngại dư nợ xấu.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News