Top

Giao dịch bất động sản qua sàn: Triển khai quá chậm!

Cập nhật 15/04/2008 09:00

Bộ Xây dựng vừa đưa ra các giải pháp ổn định thị trường bất động sản (BĐS), góp phần kiềm chế lạm phát, trong đó có giải pháp phải giao dịch BĐS qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch. Thế nhưng việc giao dịch qua sàn còn phải chờ.

Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 153 (hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung khó áp dụng trong thực tế. Dự kiến trong tháng tư này bộ sẽ ban hành thông tư.

Bán nhà đất: chờ 10-15 ngày

Theo dự thảo, để bán BĐS ở dự án thì phải mất 15 ngày để làm các bước công khai thông tin, còn nhà riêng lẻ tối thiểu cũng mất ít nhất 10 ngày.

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng qui định trên chỉ nên bắt buộc đối với những đợt công bố bán hàng của dự án. Các trường hợp bán lẻ chỉ cần niêm yết công khai tại trụ sở công ty và các sàn giao dịch.

Ông Võ Đình Quốc, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS An Bình, nêu quan điểm qui định công khai thông tin dự án là cần thiết nhưng yêu cầu phải đăng ba kỳ báo, một đài truyền hình địa phương và một lần trên mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam thì chưa hợp lý. Theo ông, phần  lớn sàn giao dịch được hưởng hoa hồng từ chủ đầu tư sau khi BĐS bán xong. Khi sản phẩm chưa bán được mà bỏ ra chi phí quảng cáo quá lớn sẽ gây khó cho sàn. Ông Quốc đề xuất tùy theo khả năng của mỗi sàn mà công khai sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau. Cũng có thể thông tin qua website của mình.

Giám đốc một chợ địa ốc cho rằng với nhà riêng lẻ của cá nhân, nhiều người muốn bán sớm do kẹt tiền, cần vốn làm ăn..., nếu phải chờ sau 10 ngày công bố mới được bán sẽ gây khó khăn cho chủ nhà. Chưa kể trong trường hợp nhà đất xuống giá thì việc kéo dài thời gian công khai sẽ gây thiệt hại cho chủ nhà.

Sàn hoàn chỉnh phải như thế nào?

Qui định lần này đề cập đến ba loại hình là sàn giao dịch BĐS, trung tâm giao dịch và văn phòng môi giới BĐS. Cụ thể với sàn, ngoài việc người quản lý phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý thì sàn giao dịch còn phải có tối thiểu hai nhân viên môi giới, có chứng chỉ và hai nhân viên định giá BĐS. Sàn giao dịch BĐS có diện tích tối thiểu là 120m2. Tương tự trung tâm giao dịch BĐS có tối thiểu là 50m2, trong đó diện tích dành cho hoạt động môi giới ít nhất 30m2. Còn văn phòng môi giới BĐS diện tích tối thiểu phải là 30m2. Một yêu cầu khác với văn phòng môi giới là việc môi giới phải thông qua hợp đồng...

Phía lãnh đạo HoREA cũng đề nghị làm rõ thêm tư cách pháp nhân của văn phòng môi giới BĐS trong việc giao kết hợp đồng với khách hàng. Dự thảo cũng qui định BĐS bán, cho thuê phải ghi đầy đủ thông tin như loại BĐS, vị trí BĐS, vẽ sơ đồ BĐS... Mặt khác phải thông tin về qui hoạch của BĐS như qui hoạch được duyệt tại vị trí của BĐS hoặc khu vực lân cận liên quan đến việc mở đường, công trình hạ tầng xã hội, dự án kinh doanh...

Công khai minh bạch, còn chờ đến bao giờ?

Theo Bộ Xây dựng, việc giao dịch qua sàn để mọi đối tượng có nhu cầu được tiếp cận trực tiếp các thông tin mua bán, hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cho rằng nhiều người dân có nhu cầu và tham gia giao dịch BĐS nhưng không phải ai cũng có thông tin. Việc tổ chức giao dịch BĐS qua sàn, theo ông Châu, trước hết sẽ bảo vệ được quyền lợi của đối tượng này, tránh rơi vào cảnh bị lừa đảo. Ông Đặng Hồng Anh - tổng giám đốc Công ty Sacomreal  - cho rằng cả người bán và người mua đều được lợi khi tham gia giao dịch BĐS qua sàn. Người mua tránh được những "quả lừa" thì người bán có cơ hội bán hàng sát với giá thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng không thất thu thuế trong giao dịch BĐS, nhờ hạn chế được tình trạng kê giá thấp hơn giá giao dịch thực tế.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp BĐS, để hình thành tập quán thực hiện giao dịch BĐS qua sàn là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian chứ không thể một sớm một chiều.

Giám đốc một công ty BĐS bày tỏ lo ngại rằng nếu thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan, chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng "bẻ cò”. Các đối tác sau khi được sàn giao dịch hướng dẫn và thẩm định giá lại giao dịch ngoài sàn để khỏi phải chịu phí giao dịch. Vị giám đốc này đề nghị có thể ngăn chặn được nếu cơ quan công chứng chỉ công chứng đối với những giao dịch qua sàn.

Còn theo ông Đặng Hồng Anh, để sàn giao dịch BĐS trở thành địa chỉ tin cậy của những người tham gia giao dịch, trước hết phải ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên, trong đó có cả chủ sàn và đặc biệt là nhân viên môi giới...

Vừa qua Bộ Xây dựng đã cho Công ty TNHH BĐS Phát Hưng và Công ty cổ phần Đầu tư và địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn thí điểm mô hình "sàn giao dịch BĐS chuẩn" đầu tiên của TP.HCM. Theo ông Đặng Văn Thạnh, giám đốc marketing Công ty TNHH BĐS Phát Hưng, ngoài một số tiêu chuẩn qui định như dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định 153, công ty sẽ đưa vào một số dịch vụ khác vào sàn như dịch vụ tư vấn nhà đất, dịch vụ vay tiền ngân hàng, công chứng, hệ thống lưu trữ thông tin nhà đất, qui hoạch... Dự kiến cuối quí 2-2008 sàn sẽ hoạt động.


Theo Địa Ốc TTO