Luật Đất đai (sửa đổi) 2013 có hiệu lực thi hành hơn một năm nay, góp phần quan trọng ổn định các mối quan hệ về đất đai và tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Một góc khu đô thị Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
|
Những chuyển biến này nhờ sự tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho Chính phủ, ban hành hàng loạt các chính sách kịp thời ngay sau khi Luật có hiệu lực. Cũng như trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành Luật tại các địa phương.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 5 thông tư, thông tư liên tịch…
Hiện Tổng cục đang tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 để tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất… trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2015.
Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đây là nghị định có phạm vi đối tượng điều chỉnh rất lớn. Quan trọng nhất là nghị định phải giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai.
Do đó, Tổng cục Quản lý đất đai cần tiếp tục làm việc với các địa phương, rà soát, tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị để bảo đảm các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu và thực tiễn cuộc sống.
Việc trình, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời đã khắc phục tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây cũng là bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ nhằm góp phần nhanh chóng đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, vướng mắc từ các địa phương trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013.
Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái… để thu nhận ý kiến của địa phương, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai, không để ách tắc gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý đất đai đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất; trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án lớn, công trình trọng điểm trên cả nước. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng được đẩy mạnh.
Tổng cục đã kịp thời trình Bộ trưởng công bố Bộ Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; đồng thời đôn đốc các địa phương khẩn trương chỉ đạo rà soát, ban hành các Văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền theo hướng cải cách, đơn giản hóa, thực hiện quy trình liên thông giữa các cơ quan hành chính trong quá trình thực hiện.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết tính đến ngày 30/6, cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã hoàn thành và công bố Bộ Thủ tục hành chính theo quy định; 13 tỉnh, thành phố còn lại đang tiếp tục hoàn thiện để triển khai công bố.
Bộ Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được rà soát, công bố là bước tiến quan trọng, đưa công tác quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng số thủ tục công bố là 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố trước đây), là 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 9 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố trước đây).
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện thông qua bộ phận một cửa giải quyết không quá 3 ngày; giảm số bộ hồ sơ phải nộp, cắt giảm một số loại giấy tờ trong giao đất, cho thuê đất; đơn giản mẫu đơn trong đăng ký đất đai…
Đến thời điểm này, cả nước cũng đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 70% tổng diện tích tự nhiên, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Hiện cả nước có trên 100 huyện vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó 58 huyện vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai liên thông ở cả 3 cấp (xã-huyện-tỉnh).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đất đai là lĩnh vực nóng, nếu không kịp thời tháo gỡ các vướng mắc sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục rà soát các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thi hành để Bộ kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế theo thẩm quyền.
Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ chỉ đạo giải quyết, nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác này, để họ hiểu và giải thích rõ vấn đề tới từng người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: