Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0 - 0.25%/năm. Động thái này của NHNN được đánh giá sẽ có những tác động nhất định đến dòng tiền vào các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, hiện vẫn có những ý kiến khác nhau về việc bất động sản được lợi gì từ việc giảm lãi suất này.
Sau gần 1 năm giữ mức lãi suất tiền gửi USD dành cho cá nhân ở mức 0.75%/ năm và tổ chức 0.25%/ năm, NHNN chính thức tiếp tục cắt giảm lãi suất ngoại tệ này. Cụ thể từ ngày 28/9, các tổ chức khi gửi USD sẽ không được hưởng lãi, còn lãi suất dành cho khách hàng cá nhân cũng chỉ còn 0.25%/ năm.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS Khu Tây Sài Gòn, cho rằng, động thái này của NHNN sẽ có những tác động rất tích cực tới thị trường bất động sản Việt Nam trong những tháng cuối năm. Đặc biệt quyết định này lại rơi đúng vào thời điểm mà dòng ngoại tệ từ nước ngoài chảy ồ ạt về Việt Nam trong thời điểm cận Tết đã tạo thành một đòn bẩy kép tới thị trường.
Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV, năm 2015, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút được lượng kiều hối tốt nhất thế giới. Uớc tính, lượng kiều hối năm 2015 sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm USD về tiệm cận 0%, tỷ giá được ngân hàng nhà nước cam kết đảm bảo ổn định cho đến cuối năm thì kênh đầu tư này đã hoàn toàn mất đi sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Lãi suất USD về 0%, bất động sản được gì?
|
Chị Lê Ánh Tuyết, một khách hàng gửi tiết kiệm bằng USD tại một chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ: “Nếu duy trì mức lãi suất đô thấp thế này thì tôi phải rút ra thôi, gửi 100.000 đô mà 1 năm được có 250 đô thì không đáng gì cả. Có lẽ tôi sẽ chuyển tiền sang mua đất hoặc chuyển sang VND để gửi ngân hàng”.
Dù có một số dự báo khá lạc quan về tác động của việc hạ lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, cho rằng: “Về mặt lý thuyết, khi một kênh đầu tư như USD kém hấp dẫn thì xu hướng khách hàng có thể chuyển sang BĐS hay chứng khoán… Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng họ chuyển sang tiền VND và tiếp tục hưởng lãi suất 6%, nhất là những người chỉ mong muốn bảo toàn số tiền trong bối cảnh lạm phát đang ở mức thấp”.
Dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng thị trường BĐS bất tiếp tục chứng kiến hàng loạt dự án tung hàng mới để đón dòng tiền cuối năm và khi chính sách mở cửa cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà có hướng dẫn chi tiết.
Tại khu vực Nam Sài Gòn, sau khi bán sạch dự án Jamona City, Sacomreal tiếp tục tung ra thị trường 200 căn hộ cao cấp cuối cùng của dự án Jamona Apartment. An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) chuẩn bị tung ra dự án Khu biệt lập ven sông Angia Skyline. CTCP Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát lên kế hoạch tung ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, từ nay đến năm 2018. Đất Xanh Group tiếp tục mở bán đợt tiếp theo dự án Luxcity có tổng số 426 căn.
Cũng tại khu vực phía Nam của TP. HCM, hàng loạt các dự án như The Everrich III của Phát Đạt, Sky Residence của Conic Lĩnh Phong, Happy Residence của Phú Mỹ Hưng, Diamond Lotus của Phúc Khang, Sunrise Riverside của Novaland với hàng chục ngàn căn hộ được chào bán ra thị trường. Đây là khu vực có nguồn cung tăng mạnh thời gian qua.
Khu Tây Sài Gòn không có quá nhiều nguồn cung, tập trung chủ yếu ở phân khúc trung bình. CTCP BĐS Danh Khôi Á Châu nhận đặt mua căn hộ Phú An Center trong gói vay 30.000 tỷ. Hoàng Anh Sài Gòn tiếp tục bán vét block 2 dự án IDICO Tân Phú. Công ty BĐS Nam Tiến triển khai mở bán dự án The Southern Dragon, tại số 685 Âu Cơ, Q. Tân Phú, TP.HCM gần 800 căn hộ…
Tại Khu Đông rất nhiều dự án khủng như Vinhomes Central Park, Khu đô thị Sala, The Sun Avenue… với nguồn cung lên đến hàng chục ngàn căn hộ tiếp tục được tung ra thị trường. Chưa kể nhiều dự án tỷ USD sẽ tiếp tục được khởi công tại Khu đô thị Thủ Thiêm từ nay đến 2016. Đây là khu vực được hưởng lợi nhiều từ các dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang triển khai.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, nhìn chung BĐS thời gian qua vẫn có những điểm nóng cục bộ, chủ yếu do vị trí tốt, được cộng hưởng từ yếu tố hạ tầng. Theo quan sát của Tiến sỹ Hiển, một bộ phận người dân cũng có xu hướng rút tiền tiết kiệm đi đầu tư BĐS. Lãi suất huy động từ trên 10% giảm xuống còn khoảng 6% thì không còn hấp dẫn như trước. Hơn nữa tâm lý lo BĐS giảm giá đã không còn như trước. Đây là yếu tố tích cực khiến dòng tiền đổ sang BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: