Top

Giải phóng mặt bằng: Đơn khiếu nại tăng cùng dự án

Cập nhật 08/04/2009 14:40

Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội mở rộng còn nhiều mâu thuẫn về lợi ích.

Dù thành phố đã ban hành quy định về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhưng số lượng đơn thư khiếu nại vẫn không vì thế mà giảm xuống, khiến quá trình giải phóng mặt bằng diễn ra chậm so với yêu cầu...

Lượng dự án tăng gấp 3 lần

Trong báo cáo về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng 3 tháng đầu năm 2009 và nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại năm 2009, sau khi Hà Nội mở rộng, số lượng các dự án có liên quan tới thu hồi đất tăng gấp 3 lần, cùng với quy mô thu hồi đất tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước.

1.005 dự án với 13.500 héc ta đất, liên quan đến 186.000 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Lượng dự án tăng cao đã gây sức ép lên quỹ đất tái định cư vốn đã eo hẹp của thành phố. Dự kiến thành phố phải bố trí tái định cư cho 19.000 hộ dân, chỉ riêng trong năm 2009 con số đã lên tới 5000 hộ dân.

Cũng theo báo cáo trên, đến 31/12/2008, trong tổng số 1.005 dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, 225 dự án đã hoàn thành xong; hoàn thành và bàn giao một phần diện tích đất cho 57 dự án theo phân kỳ đầu tư; bàn giao 1.538 hécta đất, chi trả 2.916 tỷ đồng cho 49.602 hộ dân và bố trí tái định cư cư 2.133 hộ dân.

Ba tháng đầu năm 2009, 790 dự án với 11.722 hécta đang tiếp tục được giải phóng mặt bằng, trong đó 14 dự án đã hoàn thành, bàn giao 102 hécta đất, chi trả 278 tỷ đồng cho 4.469 hộ và tái định cư 378 hộ.

Kết quả trên đã phần nào đảm bảo tiến độ khởi công, giải ngân các dự án trọng điểm như dự án Láng-Hoà Lạc, dự án Công viên tượng đài Hoà Bình, trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cầu Nhật Tân, Cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai, Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, Nhà ga T2 Nội Bài, trục đường kinh tế Đông-Tây. Một số điạ bàn làm tốt công tác giải phóng mặt bằng như Đông Anh, Từ Liêm, Long Biên, Thạch Thất.

Chưa giải được bài toán lợi ích


Tuy nhiên, số dự án tăng lại kéo theo lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân tăng theo.

Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra, theo một đại diện của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội, là do cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường xuyên có sự điều chỉnh bổ sung nhưng lại thiếu đồng bộ. Điểm mấu chốt của những khó khăn trong công tác thu hồi đất vẫn là chính sách chưa giải quyết được sự chênh lệch giữa các phương án bồi thường trong cùng một dự án khi Hà Nội mở rộng.

Ví dụ, mức giá bồi thường về đất, tài sản hoa màu, mức hỗ trợ của tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh có chênh lệch thấp hơn so với quy định của Hà Nội dẫn đến bức xúc về lợi ích giữa người được bồi thường và chưa được bồi thường trước và sau thời điểm sát nhập trong cùng một dự án.

Cũng do quy định của Chính phủ, một số dự án khu đô thị mới tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, trong cùng một dự án, tại cùng thời điểm, cùng loại đất nông nghiệp nhưng ở vị trí khác nhau có chênh lệch giá quá lớn dẫn đến khiếu kiện gay gắt của nhiều hộ dân tại đây.

Trong khi đó, các dự án trên địa bàn Hà Tây (cũ) và Mê Linh trong năm 2008 hầu như dừng lại do người bị thu hồi đất trông chờ hưởng cơ chế chính sách mới sau khu sát nhập về Hà Nội (1/8/2008).

Chính sách giao đất dịch vụ, đất ở khi thu hồi trên 30% đất nông nghiệp của các hộ sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ một số bất cập.

Một số quận huyện đến nay không còn quỹ đất để giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ dân khi nhà nước thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao gây khó cho việc thu hồi đất nông nghiệp.

Khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) trước thời điểm sát nhập đã ban hành quyết định giao đất dịch vụ cho các họ bị thu hồi đất nông nghiệp, việc mua bán chuyển nhượng đất dịch vụ diễn ra khu chưa có vị trí ô đất, chưa xác định thời gian giao đất khi hợp nhất đã phát sinh những tranh chấp giữa người được giao đất dịch vụ cũng như người mua trên giấy diện tích này.

Khu vực Mê Linh trước khi sát nhập cho phép các nhà đầu tư tự thoả thuận mức bồi thường, quy định giá thu tiền khi giao đất dịch vụ không bao gồm chi phí làm hạ tầng trong khi ngân sách tỉnh chi đầu tư hạ tầng. Đến nay vẫn chưa có đất dịch vụ để giao gây nên khiếu kiện buộc công tác giải phóng mặt bằng cơ bản dừng lại.

Cũng phải kể đến sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Một số chủ đầu tư đã có dự án bàn giao mặt bằng nhưng không triển khai, để đất hoang hoá gây bức xúc cho người dân bị thu hồi đất về chủ trương giải phóng mặt bằng.

Theo như báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện các tháng còn lại năm 2009 trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, phân loại các dự án đã có quyết định thu hồi đất, đang triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm xác định rõ những dự án đủ điều kiện triển khai.

Thành phố cũng nhấn mạnh ưu tiên cho những dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các dự án dân sinh bức xúc.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những vấn đề còn nhiều vướng mắc khó giải quyết nêu trên đang đặt Hà Nội trước bài toán cân bằng lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư và nhà nước trong quá trình đền bù thu hồi đất. Chừng nào vẫn tồn tại tình trạng là trong khi các công trình xây dựng mang lại lợi ích lớn cho một số cá nhân nhưng lại đẩy nhiều người vốn đang sử dụng đất đó vào tình trạng khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng sẽ còn chậm vì vẫn nảy sinh nhiều khiếu kiện.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy