Cho đến nay, hầu hết các công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm tiến độ, với nhiều lý do khác nhau. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) cho biết UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt về việc thực hiện tiến độ các dự án trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và sẽ công khai để quy rõ trách nhiệm...
Năm 2008, các dự án phát triển giao thông đô thị trọng điểm do thành phố quản lý phải thu hồi hơn 263ha đất, liên quan đến 9.800 hộ dân, trong đó nhu cầu tái định cư dự kiến khoảng 3.100 hộ. Song, tính đến hết tháng 2, các quận, huyện mới điều tra khảo sát xong 5.655 chủ sử dụng đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền đền bù cho 228 hộ sử dụng đất nông nghiệp, với tổng tiền là 4,4 tỷ đồng.
Kết quả trên còn thấp, chưa đáp ứng tiến độ và sự chỉ đạo của thành phố. Đơn cử như các dự án làm đường: Lạc Long Quân, Cát Linh - La Thành, đường 5 kéo dài, Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, đường Văn Cao...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ. Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Đầu năm thành phố đã ban hành một loạt các cơ chế mới phù hợp với các chính sách của TƯ, nhằm tạo sự đồng bộ. Song, có bất cập là sự thay đổi này dẫn đến sự khác biệt giữa người đền bù năm ngoái với người đền bù của năm nay trên cùng dự án. Mặt khác, do là chính sách mới, người dân cũng chưa được hiểu hết, nên dẫn đến thắc mắc.
Thứ hai, việc xây dựng kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch tiến độ, chưa được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Vấn đề tiếp nữa là quỹ nhà tái định cư hiện còn nhiều bất cập, từ việc xây dựng, quản lý, thỏa thuận quỹ nhà cho từng dự án với quá trình thực hiện dự án, đến vận hành quỹ đầu tư và thu tiền nhà.
Bên cạnh đó, ở một số dự án, sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, địa phương và ngay chính trong các cơ quan địa phương... có lúc có nơi chưa đồng bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Để đẩy nhanh tiến độ như kế hoạch của thành phố, trước hết chủ đầu tư phải rà soát ngay kế hoạch đề ra tiến độ, chính quyền địa phương phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Kế hoạch này phải công khai cho người dân, báo cáo cơ quan liên quan để thực hiện và giám sát. Quan trọng hơn, từ đó có thể chỉ rõ trách nhiệm của khâu nào, đơn vị nào để có biện pháp xử lý.
Thứ hai, các quận, huyện, chủ đầu tư khẩn trương triển khai nghiên cứu và tổ chức tập huấn sâu rộng, theo phân cấp của thành phố, về các chính sách mới ban hành. Nếu không công khai, phổ biến rõ chính sách, người dân khiếu nại là chuyện bình thường. Việc nữa là những vấn đề phát sinh phải tháo gỡ ngay theo đúng chức năng nhiệm vụ thành phố đã phân cấp cho chủ đầu tư, các quận, huyện.
Cuối cùng cần có sự phối hợp đồng bộ, chuyên sâu giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các sở, ngành. Cụ thể, nên cử 1 cán bộ tham gia dự án đến cùng, tránh tình trạng nay cử người này, mai cử người khác, sẽ rất khó nắm bắt, giải quyết kịp thời tình hình phát sinh. Các chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục cho phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, việc chỉnh sửa nên có nghiên cứu thấu đáo, sát thực tiễn để tránh chuyện vừa ban hành lại có nghị định điều chỉnh, dẫn đến sự phức tạp và các địa phương rất khó triển khai. Hà Nội cũng như các địa phương khác đã có những kiến nghị. Ví dụ, điều 48 của NĐ 84/CP bồi thường bằng đất, Hà Nội không thể thực hiện được vì hết quỹ đất. Hay như không nên để chủ đầu tư tự thỏa thuận, dễ dẫn đến chênh lệch bất hợp lý giữa các dự án.
Hà Nội cũng đã có dự án tự thỏa thuận, nhưng rất ít và hướng chung là phù hợp với khung giá. Đặc biệt, những quyết định có tính chất tác động đến xã hội, cần đưa dự thảo lấy ý kiến trước.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: