Thực trạng quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn của nước ta hiện nay, trong đó nổi bật là Hà Nội, đang có nhiều vấn đề nhức nhối. Kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông, toà nhà văn phòng, cao ốc, nhà chung cư xây dựng...
Ai cũng biết, hiện nay, hầu hết các kế hoạch, quy hoạch đô thị của ta chỉ mang tính ngắn hạn, đến đâu hay đến đó. Nên dẫn đến nhiều quy hoạch chồng chéo, dự án này chưa thực hiện xong đã bị "chồng" một dự án khác, mâu thuẫn và thiếu thống nhất.
Các biện pháp xử lý vi phạm về xây dựng, về trật tự đô thị còn chậm chạp và hiệu quả thấp, tính cưỡng chế chưa cao, nên hiệu quả răn đe còn thấp. Vì vậy, cần có những biện pháp cưỡng chế mạnh hơn. Một hộ xây dựng nhà sai phép, địa chính phường chỉ xuống lập biên bản, xử phạt hành chính, nộp vài trăm nghìn (có thể thêm một khoản tiền "đi đêm" tuỳ theo)...thế là xong, xây tiếp tục xây, không vướng víu gì nữa. Nhà này làm được, tại sao nhà khác không, họ rỉ tai nhau và "vẽ đường cho nhau "chạy" hết. Thiết nghĩ, nếu ngay từ ban đầu phát hiện xây dựng không phép, sai phép chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, nghiêm minh là đình chỉ xây dựng vài trường hợp điển hình thì chẳng có ai dám vi phạm nữa.
Hay việc không cho buôn bán ở các khu vực hai bên đường phố cũng vậy. Vi phạm thì lại xử phạt bằng tiền, nộp tiền xong lại vi phạm như thường. Nhưng nếu thị sát liên tục và kiểm soát chặt chẽ cùng với việc xây dựng các khu thương mại tập trung ngắn hạn và dài hạn, người dân không phải đầu tư kinh phí nhiều thì chắc chắn họ sẽ không tụ tập, không đi lại lộn xộn làm cho giao thông không tắc nghẽn, nghẹt thở.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu tâm là, cả thành phố có biết bao nhiêu dự án xây dựng thì bấy nhiêu lần GPMB có vấn đề kiện tụng, kiến nghị của dân. Giải pháp duy nhất ở đây là cần phải mang tính công bằng trong công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện nay Nhà nước đang thả nổi cho người dân bằng cách ban hành khung giá đất chung nhưng thường để cho người dân tự thoả thuận mức giá đền bù. Làm như vậy sẽ sinh ra mỗi nơi một giá khác nhau trong cùng một vùng và khi đó sẽ làm cho các đối tượng được đền bù so sánh nhau, dẫn đến phải mất nhiều thời gian giải quyết mâu thuẫn này. Việc đền bù cũng làm mất công bằng xã hội và nảy sinh mâu thuẫn bất bình đẳng trong xã hội.
Có người cho rằng: "Tại sao đất đai của toàn dân, do Nhà nước quản lý lại có vấn đề như vậy: Cũng là nông dân cả nhưng anh may mắn sinh ra ở khu vực trở thành đô thị được Nhà nước chia cho một số lượng đất đai, sau đó bỗng nhiên không làm lại được một khoản tiền rất lớn? Nhưng lại không biết tính toán phải làm gì với số tiền đó? Và cuối cùng họ thường nẩy sinh các nhu cầu hưởng thụ khác. "Nhàn cư vi bất thiện" đã nẩy sinh tệ nạn như: cờ bạc, nghiện hút, ăn chơi,…tranh giành nhau trong gia đình và nẩy sinh mâu thuẫn xã hội.
Việc lại càng vô lý hơn khi bỗng nhiên một ngày nào đo, có một anh chàng reo lên sung sướng "có một con đường mới mở chạy qua trước mặt" và ngôi nhà bỗng trở nên vô cùng có giá trị, nhưng cũng có người "đang ở mặt tiền" bỗng nhiên phải di chuyển đi nơi khác và phải ở trong một căn nhà "không buôn bán được". Tình trạng người thì được ra mặt đường, người thì phải giải toả đi nơi khác một cách không công bằng ấy đã đem lại cho công tác giải phóng mặt bằng không ít phiền toái".
Để giải quyết vấn đề này, đã có nhiều giải pháp được đặt ra trước khi quy hoạch. Vậy nên chăng Nhà nước phải giải toả thêm các phần hành lang để đấu thầu làm các công trình phục vụ cho kinh tế và xã hội, vừa làm cho bộ mặt đô thị được đẹp hơn.
Một nghịch lý xã hội nữa nằm ở các khu nhà chung cư: Người dân vừaphải mua nhà với một số tiền "cắt cổ", thế mà lại phải chịu những dịch vụ rất đắt đỏ do Nhà nước không quản lý được. Các công ty kinh doanh nhà đất luôn không thực hiện các cam kết của mình khi giá cả thay đổi.
Vừa phải ở chung cư đắt đỏ, lại phải chịu nhiều tốn kém, không tự do, độc lập và thoải mái, thì làm sao người dân thích vào ở các khu chung cư mới để xoá đi các làng mạc lộn xộn với mức độ tiêu chuẩn sinh hoạt ở mức thấp như hiện nay, đặc biệt là khu tái định cư. Và như thế, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần quản lý mức thu phí cho phù hợp với mặt bằng chung, đặt ra một mức giá chung để áp dụng chung.
Có lẽ chỉ cần làm được những công việc ấy trong thời gian này đã làm cho đô thị của chúng ta có bộ mặt mới mẻ và tiến bộ hơn rất nhiều rồi.
Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: