Top

'Giải cứu' chung cư cũ

Cập nhật 21/03/2016 08:46

Tại TP.HCM hiện có 533 chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975 với 50.640 căn hộ. Trong số đó, rất nhiều khu chung cư đã hư hỏng, xuống cấp nặng và có thể sập bất cứ lúc nào như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5), Cô Giang (Q.1), Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)...

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Để “giải cứu” các chung cư này, hiện Bộ Xây dựng cũng như TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách “thoáng” hơn.

Cố thủ với hiểm nguy

Mấy năm nay, hàng loạt chung cư trên địa bàn TP mặc dù đã gần sập, cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt khuyến cáo, thậm chí có “lệnh” yêu cầu người dân sống trong các chung cư này di dời nơi khác nhưng nhiều người vẫn “cố thủ”, không chịu đi. Điển hình như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5), mấy năm nay tòa nhà này đã rệu rã, nhiều lần từng tảng bê tông lớn rớt từ trên trần nhà xuống. Chính quyền TP đã nhiều lần vận động, thậm chí có lệnh tạm di tản nhưng vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời. Cách đó không xa, khu chung cư “chờ sập” Cô Giang cũng đã có chương trình di dời mấy năm nay nhưng nhiều người vẫn cố thủ ở đây.

Được xây dựng vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chung cư Cô Giang có gần 900 hộ dân sinh sống ở 4 lô. Hiện nay, chung cư đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục công trình bị hư hại theo thời gian như: ban công, vách tường bị nứt, hệ thống thoát nước, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Chung cư này được cơ quan chức năng đánh giá có thể sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân bất cứ lúc nào. Năm 2006, UBND TP chủ trương đầu tư khu căn hộ và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang với quy mô 1,4 ha gồm 30 tầng, 1.092 căn hộ. Đến năm 2011, mặc dù UBND TP đã chỉ đạo tháo dỡ khẩn cấp nhưng vẫn chưa thực hiện được, vì hiện vẫn còn khoảng 300 hộ dân chưa di dời vì bị đưa đi tái định cư ở nơi quá xa chỗ ở cũ và mức giá đền bù chưa thỏa đáng.

Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1, tuy là quận trung tâm nhưng trên toàn địa bàn quận có đến 89 chung cư cũ nguy cơ đổ sập rất cao, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 7.000 hộ dân. Trong buổi làm việc mới đây với Q.1, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Quận đang khẩn trương điều tra xã hội học để có bức tranh tổng thể về hoàn cảnh sống của hơn 7.000 hộ dân và hoàn tất việc kiểm định tất cả 89 chung cư. Trước mắt sẽ làm 8 cái có nguy cơ đổ sập cao nhất, sau đó tùy theo mức độ xuống cấp của từng chung cư sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể. Theo kế hoạch, ngay trong quý 2/2016 sẽ khởi động một số dự án.

Chung cư Cô Giang còn khoảng 20% hộ dân chưa di dời - Ảnh: Đình Sơn

Nhà sập thì lãnh đạo cũng sập

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt, đơn vị đang thực hiện cải tạo một số chung cư cũ trên địa bàn TP: “Doanh nghiệp (DN) không cần hỗ trợ tài chính, chỉ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách như: tăng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... Khi đó họ sẽ có đủ chi phí để đền bù cho người dân mức giá cao hơn so với thị trường. Người dân đã nhận tiền thì cho tạm cư gần đó, xong bố trí vào ở với căn nhà tương đương diện tích căn hộ cũ. Khi DN đưa ra mức giá được đa số người dân thống nhất, những người còn lại không chịu di dời nếu để DN tự thỏa thuận với dân là thua. Nhà nước phải cưỡng chế, chứ không còn mấy hộ mà chung cư không giải tỏa được thì chết nhà đầu tư”.

“Nhà nước phải ngồi lại với DN, tham gia ngay từ đầu để bàn bạc với người dân xem giá nào là giá thị trường. Từ đó bồi thường cao hơn cho dân. Thậm chí cho DN đấu thầu, đấu giá khu đất một cách công khai minh bạch, lấy tiền chia lại đều cho người dân. Nếu đã có sự đồng thuận của đa số người dân thì làm còn những người không đồng thuận, chống đối, cố tình chây ì ở lại, lợi dụng sự ưu ái của nhà nước để trục lợi thì xử lý. Không chỉ hô hào là làm được mà cần phải có chính sách hài hòa lợi ích của người dân, DN và nhà nước”, ông Đạt cho hay.

Trong buổi làm việc với UBND Q.1 về việc triển khai xây dựng lại các chung cư cũ mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Đáng lẽ, theo quy trình, quận phải trình UBND TP phương án di dời, giải tỏa và thực hiện dự án tại các chung cư cũ chứ không thể chờ TP chỉ đạo rồi mới làm. Do vấn đề quá cấp bách, giờ TP cho quận cứ đề nghị làm thí điểm, rồi tự tìm nhà đầu tư và đàm phán với người dân. Q.1 không thể để người dân nơm nớp sống trong chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà sập thì không chỉ chết dân mà còn sập cả mấy ông lãnh đạo nữa”.

Ông Thăng cũng nhấn mạnh cần bố trí ngân sách kiểm định tất cả chung cư. Để làm sao mục tiêu trong vòng 5 năm phải xóa bỏ tình trạng chung cư cũ, xây dựng chung lại toàn bộ những chung cư này. TP sẽ có chính sách tổng thể giải quyết vấn đề này.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên