Ngày 2-4, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực. Việc ra đời quy chế quản lý mới có tháo gỡ được “mớ bòng bong” tại các chung cư?
Trên thực tế, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở 2005 (hiện được thay thế bằng Luật Nhà ở 2014) đã có gần 20 văn bản của Chính phủ và bộ ngành liên quan đến công tác quản lý, vận hành chung cư, như: Nghị định 114/2010 về bảo trì công trình xây dựng, Chỉ thị 14/2007 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thông tư 08/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư... Tuy nhiên, số lượng và mức độ mâu thuẫn tại các chung cư vẫn gia tăng, từ những tình huống dở khóc dở cười đến những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Nhiều “điểm sáng”
Về vấn đề tổ chức hội nghị nhà chung cư, Thông tư 02/2016 quy định trường hợp triệu tập hội nghị nhà chung cư lần đầu không đủ số người tham dự theo quy định thì triệu tập hội nghị lần thứ 2; nếu triệu tập hội nghị lần thứ 2 không đủ số người tham dự, UBND phường sẽ đứng ra tổ chức. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Ban Quản trị (BQT) chung cư Ruby Land (quận Tân Phú, TP HCM), cho rằng đây là một điểm sáng của thông tư. Bởi lẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư là khâu quan trọng nhất trong hoạt động vận hành nhà chung cư để bầu ra đơn vị giám sát là BQT cũng như quy chế hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết chung cư đã hoặc đang rơi vào tình trạng chậm trễ tiến hành hội nghị nhà chung cư mà phần lớn nguyên nhân xuất phát từ “kế hoãn binh” của chủ đầu tư khi phải bàn giao tất cả hoạt động quản lý, vận hành, đặc biệt là quỹ bảo trì chung cư 2% cho BQT.
Bên cạnh đó, Thông tư 02/2016 cũng yêu cầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày BQT có văn bản đề nghị, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua nhà và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, sang tài khoản BQT nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn thì UBND cấp tỉnh thực hiện cưỡng chế đối với chủ đầu tư. Hiện nay, rất nhiều chung cư đang xảy ra tranh chấp quỹ bảo trì giữa BQT và chủ đầu tư. Vụ việc kéo dài tưởng chừng không có hồi kết do nhiều BQT “cầu cứu” lên các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương nhưng các đơn vị này cho rằng đây là tranh chấp dân sự nên chỉ hướng dẫn BQT khởi kiện để tòa xử lý.
Việc Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề phát sinhẢnh: BẠCH ĐẰNG
|
Dở khóc, dở cười ở chung cư
Chung cư Thái An (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) có đông người Hàn Quốc sinh sống nhưng một số người Hàn Quốc thường xuyên nhậu nhẹt, la hét giữa đêm. “Chung cư quy định những hàng quán ở tầng trệt chỉ phục vụ đến 22 giờ nhưng khi có khách, họ vẫn buôn bán quá giờ. Đi làm cả ngày mệt, nửa đêm vừa chợp mắt thì mấy người ăn nhậu bên dưới cãi cọ, la hét lớn tiếng khiến chúng tôi nhiều đêm mất ngủ” - anh Lê Ngọc (cư dân chung cư) kể.
Còn chị Đặng Bích Lan lại bức xúc chuyện khác: “Mấy tháng trước, má tôi đang ngồi ăn phở dưới chung cư, tự dưng phía trên ai tạt nguyên xô nước xuống. Chủ quán liên tục xin lỗi khách rồi ra ngước mặt lên chửi đổng vì khó xác định ai là thủ phạm đổ nước, xả rác hoặc nhổ nước bọt từ trên cao xuống”.
Sống ở một chung cư gần đại lộ Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8, TP HCM), chị Nguyễn Thị Hồng cho biết khu chị ở đa phần thích nuôi chó (nhiều người thậm chí nuôi 3-4 con trong nhà) và hay đốt vàng mã. “Còn chuyện phóng uế, xả rác dù cấm nhưng hầu không có chế tài xử lý. Rất nhiều lần tôi chứng kiến cảnh nhiều người giúp việc hay đem trẻ con xuống sân chung cư để cho ăn. Bé ói, tè bậy trong thang máy, họ thản nhiên bỏ đi. Có người nhắc nhở, họ trả lời quét dọn là nhiệm vụ của những người làm vệ sinh”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: