Top

Giấc mơ bất động sản Việt Nam 'hóa gạch vụn'

Cập nhật 28/11/2012 08:17

Hệ thống ngân hàng lao đao vì nợ xấu bất động sản, hàng loạt dự án dở dang, văn phòng cho thuê ế ẩm, Bloomberg nhận định những tòa cao ốc trống rỗng tại Việt Nam đang biến giấc mơ thủa nào thành đống đổ nát.

Nhìn từ xa, những khung kim loại và mặt kính sáng loáng của tòa nhà EVN Tower khiến người ta có cảm giác Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, lối vào đầy gạch vỡ và hàng loạt cửa sổ bị bỏ trống lại hé lộ thực tế: tín dụng lỏng lẻo và đầu cơ bất động sản đang khiến hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công tòa tháp đôi 29 và 33 tầng này năm 2007, một năm sau khi tăng trưởng tín dụng 54% giúp Việt Nam phát triển mạnh nhất kể từ 1996. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang giảm tốc, các ngân hàng phải vật lộn với nợ xấu chồng chất. Trong khi đó, những dự án bất động sản dang dở và các tòa nhà văn phòng trống hoác càng khiến rủi ro này thêm rõ rệt.
 

Tòa tháp đôi của EVN tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Khánh Chi


Stephen Wyatt - Giám đốc điều hành công ty môi giới bất động sản Knight Frank Vietnam ở TP HCM cho biết: "Các ngân hàng khi ấy đã không cân nhắc kỹ và quá nóng vội cho vay. Giờ đây rất nhiều dự án ở đây đang bị treo chỉ vì thiếu vốn. Mà các nhà băng hiện không sẵn sàng cho vay những công trình lớn nữa".

GDP Việt Nam chỉ tăng 4,7% trong quý III. Thêm vào đó, bùng nổ tín dụng trước đây đã đẩy lạm phát tăng nhanh nhất châu Á, khiến các nhà hoạch định chính sách phải nâng lãi suất năm 2010 - 2011, đồng thời hạn chế cho vay. Vấn đề còn nằm ở chỗ Việt Nam có rất nhiều công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả, mà các công ty này lại thường đổ tiền vào bất động sản.

Marc Townsend - Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam cho biết: "Khi các chủ dự án là công ty nhà nước, họ chẳng đầu tư vào những dự án đích đáng như năng lượng, hàng không, vận chuyển hàng hải. Tất cả đều cảm thấy mình có thể dễ dàng kiếm tiền nhờ bất động sản". Theo Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, đầu tư ngoài ngành của các công ty này chiếm tới 12% vốn điều lệ.

Hoạt động cho thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam cũng đang đình trệ do nguồn cung tung ra đúng lúc kinh tế khó khăn. Theo CBRE, từ đầu năm 2011, thị trường Hà Nội đã được bổ sung rất nhiều văn phòng cho thuê, hơn cả 4 năm trước đó cộng lại. Năm 2009, giá trung bình văn phòng cho thuê tại các quận trung tâm ở Hà Nội vào khoảng 47 USD (980.000) mỗi m2, hơn gấp đôi Bangkok và Kuala Lumpur thời điểm đó. Đến quý III năm nay, giá này đã giảm 11% xuống 42,01 USD.

Kể từ quý cuối năm 2009, giá văn phòng cho thuê hạng B tại một quận phía Tây thủ đô, nơi đặt nhiều trụ sở của các doanh nghiệp nhà nước lớn, cũng giảm 39%. Còn tại các quận trung tâm, này giảm khoảng 22%.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cho vay bất động sản tính đến ngày 31/8 là khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó có 6,6% là nợ xấu. Nếu tính cả những khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản, con số này còn lên tới 1 triệu tỷ đồng.

Dữ liệu từ Công ty môi giới bất động sản Savills cho thấy tỷ lệ văn phòng ở Hà Nội được thuê đã giảm 2 điểm phần trăm xuống còn 79% trong quý III. Trong khi đó, giá thuê trung bình giảm 4%. Số hợp đồng thuê mới được công bố cũng giảm xuống mức thấp nhất năm.

Tại TP HCM, công suất cho thuê tăng một điểm phần trăm lên 87% trong quý III so với quý trước. Trong khi đó, giá thuê tháng trung bình giảm 2% xuống còn 540.000 đồng một m2. Gần một phần tư các tòa nhà ở đây đã phải hạ giá trong quý này.

Theo CBRE, khoảng 16% các mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội vẫn còn bỏ trống trong quý cuối. Phần lớn là các trung tâm mua sắm với công suất cho thuê chỉ đạt 82%.

Trong nhận xét quý III về thị trường Hà Nội, CBRE cho rằng: "Các dự án mới, đặc biệt là tại vùng ngoại thành, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 1 - 2 năm đầu do cạnh tranh khốc liệt và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao". Đến cuối năm 2013, Hà Nội sẽ có thêm 650.000 m2 mặt bằng bán lẻ gia nhập thị trường, gia tăng áp lực lên các dự án hiện tại.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống 17,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2005.

Alfred Chan - Giám đốc nghiên cứu các định chế tài chính tại Fitch Ratings Singapore cho biết rất nhiều trong số 1.300 công ty nhà nước ở Việt Nam đang bị lỗ do những hoạt động tại thị trường bất động sản. Ông nói: "Nếu chỉ nhìn vào thuyết minh báo cáo tài chính, bạn sẽ chẳng thấy được gì đâu. Tuy nhiên, nguy cơ với hệ thống ngân hàng sẽ thể hiện rất rõ qua nghiên cứu thị trường bất động sản. Các công ty ngoài ngành đầu tư vào địa ốc cũng sẽ chịu rủi ro tương tự".

Theo báo cáo của Fitch hồi tháng 3, nợ xấu tại các ngân hàng "đã bị đánh giá quá thấp" và có thể cao gấp ba hay bốn lần con số chính thức. Hồi tháng 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết nợ xấu tại một số nhà băng có thể "cao hơn nhiều" so với báo cáo. Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội thông báo đến cuối tháng 9, nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể vào khoảng 8,82%.

CBRE dự đoán giá văn phòng cho thuê có thể giảm 15% trong ba năm tới, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thể hồi phục. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài ngày 25/10, FDI 10 tháng đầu năm vào Việt Nam đã giảm 25% so với cùng kỳ.

Bên bờ sông Sài Gòn, tòa tháp 40 tầng Saigon M&C Tower thường xuyên chỉ có hai nhân viên bảo vệ. Dự án 200 triệu USD với tổng diện tích 23.000 m2 này là sản phẩm hợp tác của Saigontourist, công ty M&C, Ngân hàng Đông Á và Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á. Theo website của Saigontourist, công trình này động thổ năm 2007 và dự kiến hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, người ta giờ chỉ nhìn thấy những sợi thừng thò ra từ 6 tầng dưới và một loạt cửa kính chưa được lắp đặt.

Wyatt cho biết: "Rất nhiều dự án đã được khởi công từ thời thị trường còn tốt đẹp một cách khó tin. Tuy nhiên, thị trường đó giờ đã biến mất".
 

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress