Nhiều hộ kinh doanh trả mặt bằng kinh doanh hoặc đóng cửa, di dời xuống tầng thấp để dễ kinh doanh khi buôn bán ế ẩm. Ảnh chụp tại An Đông Plaza. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Từ cuối năm 2010, giá thuê mặt bằng bán lẻ đã có dấu hiệu giảm nhẹ và sang quý 1/2011 này biểu hiện giảm giá càng rõ nét hơn. Do vắng khách, người bán có thể chọn vị trí ở các tầng thấp hơn, với giá rẻ hơn.
Báo cáo quý hồi cuối năm 2010 của CBRE tại TP.HCM cho thấy, mặt bằng bỏ trống ngày một nhiều lên. Tỷ lệ trống của tổng mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại tăng 8.7% so với quý trước đó.
Khách vắng, giá thuê hạ
Bà Thư, chủ sạp bán quần áo ở trung tâm thương mại An Đông Plaza, quận 5 vừa trả mặt bằng sạp thuê trên lầu hai để chuyển xuống lầu một với giá thuê sạp gần thang cuốn là 20 triệu đồng/tháng. So với một năm trước, giá cho thuê sạp hơn 30 triệu đồng/tháng, thì nay giá thuê mặt bằng ở lầu một, hai của các sạp trong An Đông Plaza đã giảm 20 – 30%, tuỳ vị trí. Bà Thư cho biết: “Khách mua sắm đang giảm, nên ở lầu một còn có người qua lại ngắm nghía, lên lầu hai khó bán lắm”.
“Ngay cả người có tiền cũng thắt chặt chi tiêu, mua sắm ít đi làm cho người kinh doanh thuê quầy ở các trung tâm thương mại gặp khó khăn nên đơn vị cho thuê mặt bằng phải dùng nhiều biện pháp kích cầu, kéo khách giúp họ”, bà Triệu Hương Giang, phó tổng giám đốc trung tâm thương mại Zen Plaza nói.
Theo thống kê của Zen, doanh thu bán hàng trong tháng 3.2011 đã giảm đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy Zen liên tục tổ chức các đợt khuyến mãi với giải thưởng nhiều hơn và số ngày khuyến mãi kéo dài hơn. Theo ghi nhận từ bộ phận kinh doanh của Zen, hiện chỉ một vài trung tâm thương mại trong khu quận 1 có mức doanh thu giảm dưới 20%, còn lại các trung tâm thương mại ở quận xa đều rơi vào tình trạng vắng khách.
Tính đến cuối năm 2010, toàn TP.HCM có sáu trung tâm bách hoá, 20 trung tâm mua sắm, sáu khu bán lẻ, 58 siêu thị và ba siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 625,000m2, tăng 27% so với năm 2009. Mức tăng này phân bố không đồng đều, khu trung tâm nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng 58% còn các quận ngoại thành tăng 24%. Các quận 2 và 7 đang nổi lên là hai địa bàn được quan tâm nhiều nhất do gần trung tâm và mật độ dân số cao.
Trong quý 1/2011 dự kiến sẽ có ba trung tâm bán lẻ đi vào hoạt động ở khu vực TP.HCM: The Crescent, Bitexco Financial Tower và The Manor giai đoạn hai, cung cấp khoảng 36,000m2 sàn bán lẻ cho thị trường. Trong vòng năm năm tới, dự kiến thị trường bán lẻ tại TP.HCM sẽ có thêm khoảng 800,000m2 nguồn cung mới, tập trung tại các quận 1, 2, 7.
(Nguồn: Savills Việt Nam) |
Chợ Bến Thành, nơi giá cho thuê mặt bằng ở mức 40 – 42 triệu đồng/m2, thuộc loại cao nhất thị trường, thì từ đầu năm nay, những vị trí đắc địa nhất nằm ở mặt tiền trục chính không tăng giá, còn các vị trí sạp phía trong hầu hết đều giảm khoảng 10 – 20%. Cụ thể sạp bán giỏ xách, bóp ví của bà Nguyễn nằm ở khu 2 gần cửa tây năm ngoái có giá cho thuê 15 triệu/tháng, nay còn 11 triệu/tháng. Sạp có ba mặt tiền gần cửa tây từ mức 39 triệu/tháng nay cũng giảm còn 36 triệu/tháng. Thậm chí có sạp đôi nằm gần cửa nam cho thuê với giá dưới 10 triệu đồng/tháng.
Tính toán lại kinh doanh
Tình trạng đến hẹn lại tăng giá ở các cửa hàng mặt tiền đường Nguyễn Trãi quận 1, Nguyễn Đình Chiểu quận 3, Lê Văn Sỹ quận 3… đã không lặp lại vào quý 1/2011. Vừa trả lại mặt bằng có bề ngang rộng 6m để chuyển sang mặt bằng diện tích nhỏ hơn, cách nơi cũ 50m, bà Thuỷ, chủ cửa hàng thời trang cùng tên trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Tôi đề nghị giữ giá như năm ngoái, nhưng chủ nhà đòi tăng giá lên 22 triệu đồng/tháng. Dù mức tăng 10% là nằm trong hợp đồng, nhưng trong lúc làm ăn khó, tôi vẫn quyết định chuyển mặt bằng khác có giá thuê chỉ 14 triệu/tháng”.
Cho rằng sức mua khó có thể tăng lên, ông Uy chủ hệ thống shop thời trang Senti và A&T cũng đã trả lại mặt bằng ở tất cả các trung tâm mua sắm cao cấp, chỉ giữ lại các cửa hàng ở mặt tiền đường. Ông Uy cho biết: “Những chủ nhà đã ký hợp đồng với tôi đều không tăng giá, còn một số địa điểm mới mà tôi tìm hiểu thì chủ nhà đều không làm ăn với cò nhằm cắt giảm chi phí hoa hồng, không thổi giá lên cao cho khách thuê trả giá giảm xuống như trước…”
Một chủ quầy trang sức ở thương xá Tax nêu: “Thế kẹt mà người đang thuê quầy ở các trung tâm thương mại nằm ở quận 1 đều đang gặp là dù giá cao cũng gắng bám trụ, vì nếu trả mặt bằng thì sau này vào thuê lại sẽ khó. Chỉ những người mở nhiều điểm bán hàng mới mạnh dạn chuyển ra tìm chỗ giá thuê thấp hơn”.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: