Top

Tìm giải pháp về vốn cho bất động sản

Cập nhật 25/03/2011 08:40


Nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ tăng lạm phát ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường địa ốc
Trước khả năng lạm phát năm nay tăng cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản lo ngại thị trường năm nay cũng rơi vào tình trạng trầm lắng như hồi năm 2008, lúc đó có nơi giảm tới 40% - 50% mà bất động sản vẫn không bán được.

Mối lo trên được nhiều chuyên gia thảo luận tại buổi tọa đàm “Làm gì với bất động sản năm 2011” do Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội tổ chức mới đây.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng năm 2011 sẽ là năm khó khăn cho các nhà đầu tư, bởi ngay từ những tháng đầu năm đã chứng kiến sự leo thang của giá cả ở hầu hết các mặt hàng; nguy cơ lạm phát tăng cao.

Hiện Chính phủ đã có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó có hạn chế tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với vấn để thiếu vốn.

Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia thị trường và giá cả, việc đưa ra chính sách hạn chế tín dụng vào chứng khoán và bất động sản là bởi hai ngành này có thể xảy ra tình trạng bong bóng trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng cần đánh giá quy mô của thị trường bất động sản, xác định được khoản trên 20% tín dụng mà các ngân hàng thương mại rót vào lĩnh vực này mỗi năm là cao hay thấp, từ đó tính toán việc thắt chặt tín dụng đến mức nào để thị trường bất động sản không gặp nhiều khó khăn.

Trước những lo ngại về khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp nhằm huy động vốn cho thị trường này.

Một trong những giải pháp đầu tiên là việc tiếp tục huy động nguồn vốn từ trong dân thông qua hình thức mua bán nhà trên giấy theo tỷ lệ phần trăm cho phép, nguồn vốn hợp tác từ người mua nhà đất, từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thứ hai, phát huy nguồn vốn đầu tư trong nội bộ các doanh nghiệp, thông qua việc chuyển nhượng dự án; hợp tác đầu tư, hợp tác từ lực lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, loại hình khác vào bất động sản, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

“Đây cũng là giải pháp mà chúng ta cần nghiên cứu nhằm tìm kiếm các đối tác nước ngoài cùng gánh đỡ nguồn vốn cho thị trường bất động sản, cho dự án đang triển khai”, ông Võ nhận định.

Ông Võ cũng đề xuất nên cho phép thế chấp bất động sản tại các ngân hàng nước ngoài để tận dụng được lãi suất cho vay thấp, thường chỉ từ 4-5%/năm với tín dụng bất động sản - một mức thấp hơn nhiều so với ngân hàng trong nước.

Hiện nay việc thế chấp bất động sản chỉ được phép thực hiện tại các ngân hàng trong nước, nhưng thực tế, vốn của các tổ chức tín dụng này không nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài rất mong muốn được tiếp cận với doanh nghiệp địa ốc.

Trước đây, Chính phủ đã từng cho thí điểm thế chấp bất động sản tại các ngân hàng nước ngoài nhưng cái khó là pháp luật chưa cho phép, nhất là bởi chúng ta chưa có cơ chế, chế độ sử dụng đất dành cho cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, ông Võ cũng đề xuất, Chính phủ cần xem xét đề nghị Quốc hội sớm có những điều chỉnh về chính sách, pháp luật đất đai, tạo cơ chế cho phép việc thế chấp bất động sản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG