Hơn 1 tuần qua, “cháy nổ chung cư” trở thành cụm từ hot trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Điều đáng nói là nhiều thông tin dường như đang đi quá đà, khiến người tiêu dùng bất an, quay lưng với một loại hình nhà ở cần phổ biến trong đời sống đô thị hiện đại.
Bắt đầu từ thảm họa cháy nổ tại Chung cư Carina Plaza trong những ngày cuối tháng 3, hàng loạt thông tin mang tính chất “cảnh báo” người tiêu dùng được phát đi về những sơ xuất, sai phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy tại rất nhiều khu chung cư. Đặc biệt, tại hai thị trường bất động sản lớn nhất, Hà Nội và TP.HCM, các chủ đầu tư dường như đang lo ngay ngáy khi nào đến lượt dự án của mình bị “điểm danh”.
Không chỉ là những vi phạm “rành rành” như thiếu chứng nhận phòng cháy chữa cháy, hay có “tiền sử” về cháy nổ, cảnh người dân đốt vàng mã cháy rừng rực dưới sân chung cư, cậu nhân viên cửa hàng gas khệ nệ bê bình gas trong thang máy, hay anh bảo vệ lơ đễnh đốt thuốc dưới tầng hầm…, cũng đều là những hình ảnh nóng được lan truyền với tốc độ của thời đại 4.0.
Và người chịu trận luôn là các chủ đầu tư, nhà quản lý dự án!
Có những việc diễn ra từ lâu, nay được xới lại theo một cách hết sức thời sự. Điển hình như câu chuyện về 79 khu chung cư tại Hà Nội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trở thành thông tin nóng. Người dân từ dự án cao cấp đến giá rẻ đua nhau “soi” xem khu nhà mình đang ở có nằm trong “danh sách đen” hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 3/4 vừa qua, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, danh sách 79 chung cư đó được rà soát, thống kê từ… đầu năm 2017.
Từ đó đến nay, các chủ đầu tư đã nỗ lực khắc phục và đến ngày 2/4, chỉ còn 29/79 công trình chưa được xác nhận đảm bảo an toàn. Tức là phần lớn dự án trong danh sách trên đã xử lý xong những tồn tại liên quan đến phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, sự hoang mang của người tiêu dùng tiếp tục diễn ra!
Tại TP.HCM, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, thị trường căn hộ đã có sự chững lại rõ nét. Không ít chủ đầu tư đã hoãn lại kế hoạch ra hàng chỉ vì không muốn dự án chung cư của mình vừa ra mắt đã gặp những cái nhìn “dò xét”.
Phải khẳng định, những cảnh báo là không thừa, bởi còn không ít chủ đầu tư còn coi nhẹ công tác phòng chống cháy nổ hoặc đầu tư theo kiểu cho có, nước đến chân mới nhảy.
Sau những cảnh báo này, không chỉ chủ đầu tư, mà tất cả các đơn vị có liên quan trong việc hình thành, vận hành các dự án sẽ nghiêm túc hơn, đầu tư cho chất lượng và an toàn công trình hơn.
Các cơ quan quản lý sẽ có nhiều chính sách tăng cường kiểm tra, giám sát và đảm bảo những sự việc đáng tiếc sẽ không tái diễn, các sai phạm sẽ giảm và các tiêu chuẩn an toàn được đảm bảo thực thi tốt hơn.
Còn với người dân, ý thức, trách nhiệm sẽ cao hơn, giá trị cộng đồng được phát huy tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các chủ đầu tư chuyên nghiệp, coi trọng sự an toàn của cộng đồng dân cư khẳng định uy tín, thương hiệu.
Tuy nhiên, nếu để những thông tin cháy nổ trở thành “con ngáo ộp”, nguy cơ người tiêu dùng quay lưng với các dự án chung cư là có thật. Bên thiệt hại nhất là thị trường bất động sản và người dân, đặc biệt là những cư dân đô thị đang có nhu cầu về một mái ấm.
Bởi thực tế, thị trường căn hộ nói riêng, công trình cao tầng nói chung vẫn chính là xu hướng và là giải pháp tối ưu cho vấn đề mặt bằng, nhà ở đô thị. Không chỉ tại Việt Nam, mà các thành phố lớn trên thế giới, không nơi nào không có những tòa nhà chọc trời, bởi đất thì hữu hạn, mà người thì ngày càng đông.
Còn câu chuyện an toàn hay không an toàn, không nằm ở loại hình bất động sản mà là do con người, từ nhà phát triển, vận hành dự án đến nhà quản lý và những người thụ hưởng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: