Top

Dự Luật Đất đai (sửa đổi): Minh bạch hơn để hạn chế tiêu cực

Cập nhật 10/05/2013 15:43

6.958.848 lượt ý kiến của tổ chức và cá nhân góp ý cho của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thể hiện mối quan tâm của cả xã hội với câu chuyện đất đai. "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế".

Ảnh minh họa/internet
Thứ trưởng Bộ TN - MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 9/5. Theo ông Hiển, trong số gần 7 triệu ý kiến, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gần 2 triệu ý kiến, tương đương 30%); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (hơn 1,4 triệu ý kiến); quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai (798.496 lượt ý kiến); tài chính đất đai và giá đất (743.309 lượt ý kiến); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt ý kiến).

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất. Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích việc nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai quy định chặt chẽ chế độ sử dụng đất trồng lúa, đất rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.

Dự Luật cũng chú ý việc tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường thông qua việc hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để tính thu các nghĩa vụ tài chính khi giao đất, cho thuê đất, khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.

Hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất; mở rộng các đối tượng thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, dự luật sẽ tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc bổ sung quy  định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai. Hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục Thời Đại