Top

Dự án ì ạch vì tái định cư

Cập nhật 04/04/2008 15:00

Nhiều dự án phát triển hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ phải ngưng trệ hoặc kéo giãn thời gian chỉ vì chưa bố trí tái định cư được cho các hộ dân bị giải tỏa.

Đã khởi công gần 2 năm qua, dự án cầu Hưng Lợi bắc qua sông Cần Thơ (nối quốc lộ 91B với quốc lộ 1A) đã gần xong phần cầu nhưng phần đường dẫn 2 bên vẫn chưa thấy "nhúc nhích". Chuyện ách tắc hóa ra không phải do đền bù, giải tỏa mà do chưa lo xong chỗ tái định cư cho mấy chục hộ dân bị ảnh hưởng.

Cách đó không xa, dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Đầu Sấu - Cái Răng cũng trong tình trạng tương tự. Rất nhiều hộ chưa có nơi tái định cư nên cứ nấn ná chờ, trong khi dự án bị kéo dài mà không thể tiến triển nhanh được. Một số dự án bức thiết khác như đường nam Sông Hậu, đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ, trường Trung học Cái Khế, Đại học Y - Dược... cũng phải "sắp hàng" lo chỗ ở mới cho dân. Chỉ tính riêng trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng đã ít nhất 20 dự án bị ngưng trệ hoặc tiến triển chậm chạp vì chưa có chỗ cho dân di dời.

Nhưng các khu tái định cư chậm triển khai là do đâu? Theo Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Thanh Vững: Lâu nay, mỗi dự án đầu tư thường phải bố trí một khu tái định cư riêng, kinh phí do dự án đó chi. Cách làm này không giúp các khu tái định cư được hình thành sớm hơn vì còn phải chờ quy hoạch, thu hồi đất, làm các thủ tục xây dựng cơ bản, làm hạ tầng... trước khi đưa dân vào ở. Làm xong một khu tái định cư cũng phải mất cả năm, có khi lâu hơn nữa, mới thấy các dự án bị ách tắc, chậm trễ là điều dễ hiểu.

Mặt khác, việc thu hồi đất của dân để làm khu tái định cư cũng không phải dễ trong thời gian gần đây. Bởi vì, trong khi nhiều khu dân cư mới được hình thành với mức bồi thường đất đai theo giá thỏa thuận thì người dân trong vùng dự án các khu tái định cư sẽ khó lòng chấp nhận mức bồi thường theo khung giá nhà nước. Đây cũng là một khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện các dự án tái định cư. Đó là chưa kể, đầu tư làm khu tái định cư thì không có lời hoặc lời rất ít so với các dự án khu dân cư để kinh doanh, nên hầu như ít có nhà đầu tư nào muốn nhảy vào.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP Cần Thơ đề xuất: Cần phải xây dựng trước, xây dựng sẵn một số khu tái định cư đủ lớn để có thể chủ động đưa dân di dời của nhiều dự án khác nhau vào ở. Cách làm này sẽ giúp các dự án triển khai nhanh, không bị động về chuyện di dời, giải tỏa.

Mấy năm qua, với việc đầu tư xây dựng khu tái định cư tập trung đầu tiên Hưng Phú rộng 28 ha, Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP Cần Thơ đã tiếp nhận gần 500 hộ dân của nhiều dự án, giúp rất nhiều chủ đầu tư không phải chạy lo, tự làm khu tái định cư riêng cho dự án của mình. Hiện công ty đang được giao triển khai tiếp 2 khu tái định cư Tân Phú (37 ha) và Phú An (59,5 ha) để đón dân của các dự án mới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Vững: Không nhất thiết buộc tất cả những người bị giải tỏa của một dự án phải vào ở trong một khu tái định cư nhất định. Quan trọng là phải có nhiều khu tái định cư lớn ở một số phường, quận để người di dời có thể lựa chọn khu nào thích hợp nhất với hoàn cảnh, yêu cầu của họ. Ông Vững nói: "Để người dân an tâm, phấn khởi về chỗ ở mới, cần phải xây dựng các khu tái định cư như là những khu đô thị mới với đầy đủ tiện nghi hạ tầng, chợ búa, trường học cùng các dịch vụ, tiện ích khác; chứ không thể di dời dân vào những khu ở mới biệt lập, ọp ẹp, thiếu tiện nghi và để họ tự xoay xở".

Theo Thanh Niên