Top

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Chậm tiến độ nghiêm trọng

Cập nhật 10/04/2008 08:00

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là dự án đầu tiên xây dựng tại phía Bắc, nằm trong qui hoạch đường cao tốc Bắc - Nam. Đây cũng là dự án đầu tiên giao cho nhà đầu tư thực hiện theo phương thức đầu tư xây dựng - khai thác hoàn vốn, bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn khác. Được khởi công từ ngày 7/1/2006, nhưng đến nay tiến độ dự án bị đánh giá là chậm nghiêm trọng.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, dự án bị chậm tiến độ do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan là do cơ chế quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nhà nước có sự thay đổi trong quá trình thực hiện; Chính sách về giải phóng mặt bằng, giá bồi hoàn đất có nhiều thay đổi (theo các Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP), gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện công tác GPMB; Giá cả thị trường trong nước và quốc tế có những biến động phức tạp, đặc biệt là giá một số vật tư, vật liệu chủ yếu tăng đột biến từ năm 2007.

Về nguyên nhân chủ quan phải kể đến việc lực chọn các đơn vị thi công dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được thực hiện theo phương thức đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên các đơn vị thi công có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự chủ động trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình theo đúng các điều kiện của hợp đồng đã được ký kết với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các nhà thầu thời gian vừa qua không đáp ứng yêu cầu thi công dự án. Các nhà thầu không thực hiện nghiêm túc việc quản lý, huy động nhân sự, thiết bị máy móc thi công theo đúng các điều kiện của hợp đồng.

Để kịp thời giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị liên quan thực hiện nay một số giải pháp. Đó là, rà soát lại toàn bộ khối lượng thực hiện dự án được khởi công xây dựng, phân khai khối lượng thực hiện tương ứng với hiệu lực qui định của từng Nghị định (số 16/2005/NĐ-CP, 112/2006/NĐ-CP, 99/2007/NĐ-CP…) và các điều kiện hợp đồng đã ký.

Xác định chính xác khối lượng được điều chỉnh giá phù hợp với các quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BXD, các quy định của Bộ GTVT và điều kiện của hợp đồng có xét đến khối lượng bị chậm do các nguyên nhân khách quan, để làm cơ sở cho việc điều chỉnh giá. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xác định thời điểm thanh toán, tính trượt giá. Bộ GTVT sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành để thẩm định việc xác định giá phù hợp và chứng từ hợp lệ.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng thống nhất chủ trương cho phép chủ đầu tư xem xét, giải quyết tạm ứng hợp đồng theo qui định hiện hành và khả năng nguồn vốn. Vận dụng tối đa mức tạm ứng vật liệu, bán thành phẩm theo qui định cho các nhà thầu để giải quyết các khó khăn về tài chính.

Đáng chú ý là, Bộ GTVT đã thống nhất với các tỉnh - nơi dự án đi qua về việc xử lý dứt điểm công tác GPMB. Cụ thể, tỉnh Hà Tây phải hoàn thành toàn bộ công tác GPMB vào ngày 30/4/2008; tỉnh Hà Nam là 30/9/2008; còn với tỉnh Nam Định hoàn thành GPMB gói thầu số 7 vào ngày 31/5/2008 và đến ngày 31/10/2008 hoàn thành GPMB các gói thầu còn lại.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao cho Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2), trong đó có việc hoàn chỉnh phương án thiết kế nút giao Lạc Chính. Chủ đầu tư phải làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế (TEDI) hoàn chỉnh thiết kế tổng thể cho toàn dự án, đảm bảo đồng bộ trong quá trình khai thác, vận hành bao gồm tất cả các hạng mục liên quan như trạm thu phí, trạm dịch vụ, nhà điều hành, hệ thống thông tin kiểm soát giao thông.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 56km, tuyến đường có mặt cắt ngang cho 6 làn xe và tốc độ thiết kế từ 100 đến 120km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22,5m cho xe chạy, trên tuyến đường cao tốc mới còn xây dựng dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ.

Sau khi hoàn thành, trên toàn tuyến sẽ có 14 cầu vượt sông và vượt nút giao; 8 nút giao khác mức và 1 nút giao bằng nhằm liên kết tuyến đường với hệ thống giao thông hiện tại. Ngoài ra, dự án còn xây dựng các hệ thống đường gom, cống chui dân sinh; hệ thống an toàn, kiểm soát giao thông và thông tin tín hiệu… Đặc biệt trên đường cao tốc mới này, lần đầu tiên sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phụ trợ như các trạm xăng dầu, dịch vụ kỹ thuật, cứu hộ, nhà nghỉ, dịch vụ quảng cáo… dọc theo tuyến.


Theo Hà Nội Mới