Top

Dự án chộn rộn đổi chủ

Cập nhật 01/04/2012 08:20

Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thời gian qua ước đạt 251 triệu USD

Khi thị trường bất động sản (BĐS) mất thanh khoản, nhiều dự án đã âm thầm thay tên, đổi chủ. Nếu như trước đây, đa phần các ông chủ ngoại mua dự án của các công ty trong nước thì hiện nay, xu hướng mua bán đang có những chuyển biến gây bất ngờ.

Nội mua ngoại

Một trong những thương vụ được dư luận khá quan tâm trong thời gian gần đây là việc Tập đoàn C.T Group công bố chính thức sở hữu Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi (thuộc Tập đoàn GS Engineering & Construction Corp của Hàn Quốc) sau khi bỏ ra 24 triệu USD để mua lại 95% cổ phần của công ty này. Điều này đồng nghĩa với việc C.T Group sẽ là chủ nhân mới của sân golf Củ Chi (huyện Củ Chi - TPHCM) rộng khoảng 200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 42,6 triệu USD. Trước đó không lâu, việc Công ty Sao Sáng Saigon (thành viên của Ngân hàng Nam Á) cũng đã mua lại dự án BĐS Peninsula (quận 2 - TPHCM) từ Quỹ Đầu tư JSM Indochina với giá khoảng 11 triệu USD. Dự án có diện tích hơn 7.400 m2 được JSM Indochina mua lại trước đó với giá 19 triệu USD.


Nhiều dự án, khu đất TPHCM đang được chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu. Ảnh: Tấn Thạnh

Không chỉ ở TPHCM, tại Hà Nội thời gian qua đã diễn ra hàng loạt vụ chuyển nhượng các dự án BĐS, khách sạn nghỉ dưỡng. Cụ thể, Công ty Hanel Hà Nội đã mua lại 100% cổ phần của khách sạn 5 sao Daewoo Hà Nội từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Một thương vụ dù im tiếng nhưng lại khiến giới đầu tư bất ngờ là việc nhà đầu tư Việt Nam mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera (Hà Nội) từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG.

Theo giới kinh doanh BĐS, những thương vụ được công bố như trên chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi thực tế, hàng loạt thương vụ khác mà các ông chủ nội “luộc” lại các dự án của ông chủ ngoại được diễn ra âm thầm, với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD.

Nhộn nhịp mua bán, sáp nhập


Trong khi một số doanh nghiệp trong nước đủ mạnh đã thôn tính các dự án ngoại thì nhiều doanh nghiệp khác lại chật vật với các khoản nợ nên đành phải bán dự án để tồn tại qua thời khó khăn. Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, những thương vụ chuyển nhượng âm thầm thời gian qua cho thấy hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) đang thực sự sôi động và công thức áp đảo cho các giao dịch là người bán trong nước và người mua nước ngoài. Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam thời gian qua ước đạt 251 triệu USD, xếp thứ 3 chỉ sau các lĩnh vực hàng tiêu dùng và tài chính.

Theo ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam, tình hình hiện nay đang tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư, thị trường BĐS sẽ chứng kiến nhiều thương vụ mua bán diễn ra trong những tháng tới…

Thị trường BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nguồn vốn, do vậy các chủ đầu tư ngoại đang đẩy mạnh việc săn tìm nguồn tài chính mới cho dự án BĐS. Trong đó, hoạt động M&A được cho là thượng sách, bởi lẽ đây là một trong những phương án huy động vốn tối ưu, mang lại lợi ích cho cả hai phía và là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư nếu không muốn phá sản.

Chẳng hạn, Tama Global Investment (Nhật Bản), thành viên của TamaHome, sẽ mua 20% cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (CotecLand), thành viên của Cotec Group. Trước đó CapitaLand (Singapore) đã mua lại 3 dự án BĐS tại Việt Nam, trong đó có một dự án căn hộ được mua lại từ Khang Điền và một dự án khác từ Quốc Cường Gia Lai.

Mới đây, liên doanh giữa Công ty CP Đức Khải và Công ty CP Ô tô Phương Trang đã chuyển nhượng dự án New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM) cho Công ty Vạn Thịnh Phát...

Trả lãi 40.000 tỉ đồng/năm

Theo TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường đóng băng nhưng các doanh nghiệp BĐS vẫn đang phải trả hàng chục ngàn tỉ đồng lãi ngân hàng mỗi năm. Cụ thể hơn, hiện tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS tại các hệ thống ngân hàng là 200.000 tỉ đồng với lãi suất 20%.

Như vậy, trong năm 2012, doanh nghiệp BĐS kể cả không làm gì thì cũng phải gồng mình trả lãi ngân hàng khoảng 40.000 tỉ đồng/năm.
 


Số sàn giao dịch BĐS... vẫn tăng


Mặc dù thị trường bất động sản TPHCM trầm lắng, nhiều doanh nghiệp môi giới nhà đất dẹp tiệm hoặc chuyển sang làm thêm nghề tay trái như bán phở, đại lý bia, vật liệu xây dựng… nhưng số lượng sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động trên địa bàn TP vẫn gia tăng.

Ở thời điểm cuối năm 2011, TPHCM có hơn 200 sàn giao dịch bất động sản thì đến nay, con số đăng ký hoạt động theo báo cáo cho Sở Xây dựng TP đã lên tới 362 sàn giao dịch lớn, nhỏ. Trong đó, có sàn chỉ đáp ứng diện tích tối thiểu là 50 m2, riêng sàn giao dịch bất động sản Phú Mỹ Hưng có diện tích đăng ký lên tới 726 m2.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động